img1 img1 img1 img1 img1

Hiện tượng vàng lá, rụng lá trên cây cao su

Thứ hai - 24/08/2015 14:17
Từ cuối 2009 và trong năm 2010, do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh rụng lá Corynespora đã phát sinh và gây hại trên diện tích khá lớn vườn cây cao su vùng Đông Nam Bộ và một số vùng Tây Nguyên. Bệnh tấn công cả trên lá già, lá non, chồi non tạo vết bệnh, gây vàng và rụng lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng và sản lượng vườn cây cao su. Tuy nhiên, hiện tượng có vết bệnh trên lá, vàng lá, rụng lá trên vườn cây cao su không nhất thiết đều do bệnh rụng lá Corynespora gây nên. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây vàng lá, rụng lá trên vườn cao su là hết sức quan trọng nhằm đưa ra phương pháp phòng trị hiệu quả. Cần thiết phải nhấn mạnh điều này nhằm giúp sản xuất, đặc biệt là bà con trồng cao su tiểu điền lưu ý, xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý có hiệu quả và kinh tế nhất. Tránh trường hợp áp dụng các biện pháp không phù hợp, không theo khuyến cáo mà theo truyền miệng, tốn kém không hiệu quả, triệu chứng không bớt dẫn đến hoang mang không đáng có.
Có nhiều nguyên nhân gây vàng lá, rụng lá cao su. Một số nguyên nhân phổ biến: 1. Bệnh rụng lá Corynespora. Do nấm Corynespora cassiicola (Berk & Curt) Wei gây nên. Hiện nay, trong điều kiện tự nhiên triệu chứng bệnh rụng lá Corynespora rất đa dạng về kiểu hình, kích thước và vị trí, nguyên nhân là do sự khác biệt đặc tính mẫn cảm giữa các dvt, tuổi lá, thời điểm nấm xâm nhiễm hoặc yếu tố môi trường.Tuy nhiên triệu chứng đặc trưng vẫn là dạng xương cá có màu đen dọc theo gân lá trên các dvt mẫn cảm hay đốm tròn đồng tâm màu nâu xám, xung quanh có quầng vàng trên lá ổn định. Trong khi với lá non, xuất hiện các triệu chứng gần giống như bệnh héo đen đầu lá và rất dễ nhầm lẫn, điểm khác biệt lớn là trên mặt lá bằng phẳng, không có u lồi và những viền màu vàng nhạt ở đốm bệnh. Có thể nhận biết vườn cây bị nhiễm bệnh, thông qua các triệu chứng trên lá kết hợp với một số hiện tượng trên vườn cây: lá vàng không chỉ ở tầng dưới mà còn ở tầng giữa và tầng trên, nhìn từ dưới lên có thể thấy lá bệnh bị vàng lốm đốm, không vàng đều như vàng lá sinh lý. Các lá non trên ngọn, không phẳng mà bị xoăn lại, biến dạng. Một số chồi lá bị rụng trơ chìa. Lá rụng trên vườn có cả lá già lẫn lá non kết hợp với những vết bệnh trên lá. Bệnh rụng lá Corynespora có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong năm, trên mọi giai đoạn phát triển của cây, nên cần phải luôn cảnh giác. Do nấm bệnh gây hại quanh năm và trong suốt giai đoạn sinh trưởng từ vườn ương đến vườn khai thác, nên quản lý bệnh rụng lá cây cao su cần phải thực hiện biện pháp quản lý mang tính tổng hợp. Về lâu dài: · Chọn và trồng các dòng vô tính cao su kháng hoặc chống chịu bệnh có vai trò chính. Không nhân giống và trồng các dòng vô tính mẫn cảm như: RRIC 103, RRIC 104, KRS 21, RRIM 725, RRIM 600, Fx 25, IAN 873, PPN 2058, PPN 2444, PPN 2447, RRIV 2, RRIV 3 và RRIV 4. · Xác định tỷ lệ, cơ cấu giống cao su trồng phù hợp với điều kiện địa phương trong tình hình bệnh đang phát sinh và gây hại để có thể vừa làm tốt công tác quản lý bệnh và đảm bảo sản xuất phát triển. · Không độc canh một dòng vô tính trên diện tích lớn. · Không sử dụng cây con không có nguồn gốc và lẫn tạp giống · Xử lý sạch bệnh trên cây con trước khi đưa ra trồng. Trước mắt: · Những vườn cao su dưới 2 năm tuổi đã trồng bằng các dòng vô tính nhiễm bệnh, thực hiện ghép chồng đổi giống hoặc ghép tán bằng dòng vô tính cao su kháng bệnh hoặc chống chịu bệnh. Những vườn đã trồng bằng dòng vô tính cao su nhiễm bệnh trên 2 năm tuổi, vẫn duy trì nhưng cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh phát sinh, phun kịp thời bằng thuốc trừ bệnh với các thiết bị phun phù hợp. · Trong điều kiện bệnh có thể phát sinh phát triển mạnh và cây cao su có tỷ lệ từ khoảng 10% số lá bị nhiễm bệnh trở lên, cần phải thực hiện một số biện pháp sau: Phun trị bệnh: + Công thức: Áp dụng 1 trong những công thức: (1) hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC, Callihex 5SC…) nồng độ 0,2 - 0,3%; (2) Hỗn hợp carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500FL, Carbenvil 50SC, Carban 50 SC, Benzimidin 50SC…) 0,1-0,15% + hexaconazole 0,1-0,15% (phối trộn theo tỷ lệ 1:1); (3) Thuốc phối trộn sẵn gốc carbendazim và gốc hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC, Calivil 55SC…)nồng độ tùy vào hàm lượng thuốc gốc (0,2-0,3%). Pha phối hợp với chất bám dính nồng độ 0,2% (vườn ương, nhân, vườn năm 1), 0,3% (vườn năm 2-4), 0,5% (vườn năm 5 trở đi). + Thiết bị phun: Đối với vườn ương, nhân, vườn kiến thiết cơ bản chưa khép tán, có chiều cao tán lá thấp, dùng bình phun đeo vai dung tích 8 lít hoặc 16 lít. Đối với vườn đã khép tán, có chiều cao tán lá trên 4 m, dùng máy bơm phun cao áp với công suất đủ phun thuốc tới ngọn. + Cách xử lý: Đối với vườn ương, nhân, phun ướt toàn bộ lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá. Đối với vườn sản xuất, phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá và phun tới ngọn. Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt (10h-10h30), nếu phun quá trưa, thuốc dễ bị phân hủy và cây có thể bị sốc thuốc. Không nên phun vào buổi chiều, mưa chiều sẽ làm trôi thuốc. Lượng nước phun cho 1 ha: 600-800 lít. Chu kỳ phun 3 đợt cách nhau 7-10 ngày. Các biện pháp canh tác bổ sung + Vườn cây đang khai thác phải ngừng khai thác nếu bệnh nặng hoặc chuyển sang chu kỳ cạo d/3 không được cạo chu kỳ d/2, không bôi chất kích thích. + Tăng cường chăm sóc bón phân đầy đủ, hợp lý để cây sinh trưởng phát triển khỏe. Bón tăng lượng phân kali lên so với quy trình khoảng 25% để cây tăng sức chống chịu sự xâm nhiễm gây hại của nấm bệnh. + Vệ sinh toàn bộ vườn cao su đã bị bệnh, thu gom các lá, cuống lá, cành, chồi non bị bệnh đã rụng dưới đất để tiêu hủy nhằm làm giảm nguồn nấm bệnh lưu chuyển trên đồng ruộng. + Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại. 2. Thiếu hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. Cũng như các loại cây trồng khác, cây cao su cũng cần có một số chất dinh dưỡng cần thiết để sinh trưởng và phát triển. Các chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sinh trưởng và sản xuất của cây cao su có thể kể đến là: Đạm (N), Lân (P), Kali (K), Calcium (Ca), Lưu huỳnh (S), Magnesium (Mg), Sắt (Fe), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Kẽm (Zn), Molypden (Mo), Clor (Cl) và Bor (B). Trong trường hợp cây bị thiếu hụt các chất này, chúng cũng sẽ có biểu hiện vàng lá. Các triệu chứng đặc trưng phụ thuộc vào chất mà cây thiếu hụt. Ví dụ: Cây thiếu Đạm (N) sẽ chậm tăng trưởng, còi cọc, số lượng và kích thước lá bị giảm. Lá cây đầu tiên trở màu xanh vàng, sau đó có màu vàng. Có thể khắc phục hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng bằng cách bón bổ sung phân đầy đủ, kết hợp bón phân vô cơ và hữu cơ, cũng có thể phun phân bón lá giúp cây hấp thu dinh dưỡng nhanh hơn. 3. Cháy nắng, khô hạn Thường xảy ra vào mùa khô trên vườn cây KTCB hoặc vườn nhân, ương. Bệnh gây thiệt hại đáng kể ở một số vùng đất xám. Mức độ thiệt hại tùy thuộc nhiều vào điều kiện chăm sóc và thời tiết. Do tác động của nhiệt độ cao, nắng, tưới không đủ ẩm, biên độ nhiệt độ chênh lệch trong ngày cao, tủ và làm bồn không kỹ gây bức xạ nhiệt, thường xảy ra ở vùng có đất kết von gần bề mặt. Cây bị cháy nắng lá cháy loang lổ hoặc từng phần với màu trắng bạc sau đó chuyển qua màu nâu, tiếp theo lá bị rụng hoặc héo rũ, chồi non chết do mất nước. Cây 2-3 tuổi, trên thân hoá nâu gần mặt đất 0-20 cm, xuất hiện vết lõm có màu đậm và vỏ bị nứt, chảy mủ. Sau đó vết bệnh lan rộng và có hình mũi mác, lúc này vỏ hoàn toàn bị hại để lộ phần gỗ bên trong. Vết bệnh hướng cùng một phía phổ biến ở hướng tây và tây nam. Phòng trị bằng cách điều chỉnh hướng trồng theo chiều ánh sáng, không trồng dày, trồng trong bầu phải tủ gốc và chú ý tưới nước trước 10 giờ và sau 14 giờ. Làm bồn, tủ gốc kỹ trong giai đoạn mùa khô và nên quét vôi (5%) lên thân cây ở vùng bệnh thường xuất hiện. Khi cây bị bệnh làm chết chồi, cưa dưới vết bệnh 10-20 cm góc 45o và dùng vaselin bôi một lớp mỏng tại vị trí cắt. 4. Úng nước Thường xảy ra ở nhừng vườn cao su trồng ở vùng rừng khộp hoặc đất trũng thấp, đất bưng, chân ruộng gần suối có mực thủy cấp dưới 1m cách mặt đất. Cây cao su là cây chịu ẩm nhưng không chịu úng. Khi rễ cọc phát triển chạm đến mạch nước ngầm. Cây bị úng nước, lá vàng, cây không phát triển hoặc phát triển chậm. Khắc phục bằng cách đào mương thoát nước sao cho mực thủy cấp hạ xuống sâu hơn 1 m cách đất. 5. Vàng lá sinh lý Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, lá già trên các cành thấp ở tầng dưới cùng của tán cây sẽ vàng và rụng đi, các cành thấp sau đó cũng sẽ khô và tự rụng, tán cây dần dần được nâng cao. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cây không phải bệnh nên không cần thiết phải tìm biện pháp khắc phục. Ngoài ra, đôi khi do thời tiết bất thuận, lá cũng vàng và rụng nhiều hơn bình thường. Hiện tượng này cũng không phải là bệnh dịch do nấm, không cần thiết phải phun xịt thuốc trừ bệnh gây tốn kém, không hiệu quả. Có thể hạn chế hiện tượng này bằng cách bón phân cân đối và đầy đủ, giúp cây khỏe, chống chịu tốt với những điều kiện bất lợi của môi trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay9,467
  • Tháng hiện tại64,049
  • Tổng lượt truy cập5,791,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây