Sau 15 năm tái lập, từ một huyện thuần nông, với bộn bề khó khăn, Hớn Quản hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Minh chứng cho điều này là huyện luôn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8,5% hằng năm, thu ngân sách gấp 10 lần, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,2%... Những thành tựu nổi bật nêu trên là kết quả của sự phấn đấu, nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện, cùng với đó là phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn mình phát triển. Ðổi thay trên vùng “đất lửa”
Hớn Quản là vùng đất giàu truyền thống trong đấu tranh giải phóng dân tộc với chiến thắng chốt chặn Tàu Ô vang dội. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, chiến trường Hớn Quản ác liệt năm xưa nay đã phủ lên màu xanh bạt ngàn của cây công nghiệp, cây ăn trái trù phú; những khu, cụm công nghiệp mới đang được hình thành; những khu dân cư, khu đô thị khang trang, năng động, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Ngược dòng thời gian 15 năm về trước, huyện Hớn Quản được tái lập theo Nghị quyết số 35-NQ/CP ngày 11-8-2009 của Chính phủ và chính thức hoạt động từ ngày 1-11-2009. Ngày mới tái lập, cũng như bao địa phương khác của Bình Phước, Hớn Quản là huyện thuần nông. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn, tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đời sống nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Vượt qua những khó khăn ấy, Hớn Quản hôm nay đã bứt phá đi lên mạnh mẽ. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển vượt bậc. Đời sống người dân được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần. Là người đến công tác và gắn bó với Hớn Quản từ ngày mới giải phóng đến nay, ông Đặng Quốc Thăng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản cảm nhận rõ nét sự đổi thay của địa phương mình: “Rất tự hào vì Hớn Quản có nhiều địa danh gắn với những năm tháng chiến tranh ác liệt đã đi vào lịch sử dân tộc. Truyền thống anh hùng ấy đã được phát huy trong xây dựng và phát triển địa phương. Đặc biệt từ ngày tái lập huyện đến nay, kinh tế - xã hội đã đạt rất nhiều thành quả. Diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt. Tôi mong chương trình nông thôn mới (NTM) sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến vùng sâu, xa để nhân dân được hưởng nhiều hơn nữa từ chính sách này”. “Quả ngọt” sau 15 năm Chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển của Hớn Quản có lẽ là hành trình gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trên 1.981 tỷ đồng là số tiền Hớn Quản đã huy động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với hơn 264 dự án trọng điểm. Từ sự đầu tư đó, huyện đã có 14/36 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2024, có 21/36 trường đạt chuẩn; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế. Hình ảnh những con đường nhỏ hẹp, mưa lầy, nắng bụi trước đây đã đi vào quá khứ, nay được thay bằng những tuyến đường nhựa, bê tông khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn về đến tận ấp, sóc. Cùng với đó là các công trình, thiết chế văn hóa được xây dựng, lắp đặt tạo khởi sắc cho diện mạo nông thôn Hớn Quản. Đến nay, toàn huyện có 10/12 xã đạt chuẩn NTM, 2/12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là cơ sở vững chắc để Hớn Quản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2025.
Hớn Quản có 23% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ được huyện thực hiện xuyên suốt, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Điểm nhấn trong thực hiện công tác này, Huyện ủy Hớn Quản đã ban hành Kế hoạch hành động số 03-KH/HU ngày 26-8-2020 về việc mỗi cấp ủy viên, đảng viên chung tay thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2020-2025. Với những cách làm hay, mô hình hiệu quả, nhiều nguồn lực được huy động, đến nay Hớn Quản đã giảm từ 2.379 hộ nghèo (năm 2009) xuống còn 125 hộ (đầu năm 2024) và dự kiến đến cuối năm nay chỉ còn 57 hộ nghèo (chiếm 0,2%). “Từ khi tái lập huyện đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư rất nhiều. Nhà cửa được xây dựng khang trang, không còn nhà tạm. Người dân có công việc ổn định, cuộc sống ngày càng được cải thiện” - bà Thị Bé, Trưởng ấp Bù Dinh, xã Thanh An chia sẻ.
Xuất phát từ huyện thuần nông, Hớn Quản định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo các mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, Hớn Quản đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn về cây công nghiệp, cây ăn trái, vùng chăn nuôi tập trung và có 15 sản phẩm của 9 đơn vị đạt chứng nhận OCOP.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Hớn Quản đã được quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN), 5 cụm công nghiệp. Hiện đã có 2 KCN hoạt động và thu hút nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Trong đó, KCN Minh Hưng - Sikico (xã Đồng Nơ) có quy mô khoảng 1.400 ha, đang triển khai giai đoạn 1 với diện tích 655 ha. Tuy bắt đầu tiếp nhận nhà đầu tư từ năm 2019 nhưng đến nay đã lấp đầy khoảng 50% diện tích, với 42 nhà đầu tư, 45 dự án với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý KCN Minh Hưng - Sikico cho biết: “Hớn Quản có vị trí địa lý, giao thông và đất đai thuận lợi để phát triển công nghiệp. Huyện có thể kết nối được với rất nhiều địa phương đã và đang phát triển như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và sau này là Sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra, Hớn Quản còn có nguồn nhân lực rất dồi dào. Thời gian qua, KCN đã thu hút rất nhiều lao động được đào tạo bài bản và có nhiều kỹ năng để phục vụ sản xuất”. Bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Hớn Quản luôn được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng không ngừng tăng, đến nay toàn Đảng bộ huyện tăng gần 1.300 đảng viên và 4 tổ chức đảng so với năm 2009.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Hớn Quản đã đạt những thành tựu khá toàn diện. Kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh. Ngoài ra, trong từng thời điểm, chúng tôi đã đề ra các nghị quyết, mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, phát huy tối đa sức sáng tạo từ cơ sở, huy động nguồn lực xã hội cho công cuộc phát triển. Chính quyền các cấp có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành, chấp hành nghiêm chủ trương, định hướng của cấp ủy. Và hơn hết là sự đoàn kết thống nhất trong toàn Ðảng với các phương pháp, cách làm dân chủ, huy động được đông đảo người dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển của địa phương. Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản Quách Thị Ánh
Nhìn lại chặng đường 15 năm, Hớn Quản nay đã “khoác lên màu áo mới", mang sức sống mới. Những thành tựu huyện đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào, đúng như kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Phước, huyện Hớn Quản lúc bấy giờ là chia tách, tái lập huyện để tập trung đầu tư phát triển, vững bước đi lên.