img1 img1 img1 img1 img1

Nghị quyết về Nâng cao chất lượng Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2020

Thứ sáu - 05/08/2016 10:12
NGHỊ QUYẾT Của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về Nâng cao chất lượng Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Trong những năm qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Là một phong trào lớn của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: “dồn điền, đổi thửa”, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phàn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; kết quả bình quân hằng năm đã có hơn 4 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cơ cấu đạt bình quân danh hiệu cấp cơ sở là 73,2%, cấp huyện, thị là 20,5%, cấp tỉnh, thành phố là 5,7% và cấp trung ương là 0,6%. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Phong trào đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng nhau làm giàu và giúp hộ nghèo vươn lên, tạo nhiều việc làm ở nông thôn; góp phần giảm nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời qua phong trào tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội, nâng cao năng lực tổ chức quản lý, điều hành của cán bộ Hội các cấp trong công tác vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tập hợp được đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Những tồn tại hạn chế của phong trào: - Kết quả phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương; còn nặng về thành tích, số lượng, chất lượng chưa cao. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và cấp tỉnh còn thấp. - Công tác truyền thông về phong trào còn hạn chế. Việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân về phát triển kinh tế chưa đi vào chiều sâu để làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên; chưa khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất vươn lên làm giàu. - Một số cấp Hội chưa thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của phong trào dẫn đến coi nhẹ công tác chỉ đạo. Chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và sự tham gia của xã hội cho phát triển phong trào. - Việc xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn lúng túng. Thiếu sự phối hợp hoạt động gắn kết giữa công tác dạy nghề, xây dựng và đầu tư nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cho phong trào. - Quy mô hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cơ bản còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu; hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, thậm chí sản phẩm không an toàn. - Một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn tương trợ giúp hộ nghèo, hộ còn gặp khó khăn khi bình xét danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi các cấp, làm cho tính chất và nội dung của phong trào chưa toàn diện. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm đưa phong trào phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Nghị quyết về Nâng cao chất lượng Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung sau: I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU 1. Quan điểm - Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hình thành các mô hình liên kết sản xuất lớn, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi; vận động và tạo nguồn lực để phong trào có bước phát triển mới nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung đạt năng suất cao, tiêu chuẩn an toàn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. - Xây dựng Phong trào trở thành hoạt động thiết thực, làm cơ sở để phát triển, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt của nông dân nhằm trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường. Nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành người nông dân mới trong thời kỳ hội nhập, được cộng đồng và xã hội tôn vinh, ghi nhận. - Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phong trào thi đua giúp nhau cùng làm giàu và quan tâm giúp đỡ hộ nghèo, hộ còn gặp khó khăn ở địa phương. Thông qua phong trào đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. 2. Mục tiêu 2.1. Khích lệ đông đảo nông dân ý chí, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, đẩy mạnh phát triển sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Phát triển phong trào đều khắp; quan tâm đến phát triển phong trào ở các huyện nghèo, xã nghèo; vùng đồng bào dân tộc, vùng ven biển, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. 2.2. Làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về tư duy kinh tế, sản xuất phải gắn với thị trường; từng bước tiến tới sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao, coi đây là thước đo và là nội dung trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh nâng cao chất lượng Phong trào. 2.3. Gắn Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với Phong trào xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 2.4. Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến năm 2020, tỷ lệ bình quân hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương đạt 5%, cấp tỉnh, thành phố đạt 10%, cấp huyện, thị đạt 25% và cấp cơ sở đạt 60%; mỗi xã (phường, thị trấn) có ít nhất 1 mô hình kinh tế về liên kết hợp tác của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức vận động thực hiện. II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. - Hằng năm; Hội Nông dân các tỉnh, thành phát động, tổ chức hướng dẫn quy trình đăng ký, bình xét danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. - Các cấp Hội cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 61- KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. - Tập trung các nguồn lực để phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa V). Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng qui mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. - Gắn chỉ đạo Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với củng cố, xây dựng tổ chức Hội. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua. 2. Tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. - Tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến tư duy trong sản xuất, kinh doanh của nông dân từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất. Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng: sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với sản phẩm nông nghiệp. - Trang bị kiến thức, kỹ năng để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từ đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, liên kết mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. - Tuyên truyền sâu, rộng để hội viên, nông dân hiểu rõ về nội dung phong trào, tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tập trung làm tốt công tác truyền thông về các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; cách làm giàu, gương điển hình sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; các gương nông dân điển hình tiêu biểu về giúp nhau trong cộng đồng, cùng vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ hội viên, nông dân nghèo vượt khó, thoát nghèo bền vững… 3. Thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn. - Thành lập các Câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi theo chuyên hoặc đa ngành, lĩnh vực; tạo diễn đàn của nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao. - Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân. - Tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hoạt động tín chấp với các ngân hàng giúp cho nông dân có vốn sản xuất. Đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án để tăng cường thêm nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ cho nông dân. - Trường Trung cấp nghề và các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân ở khu vực và các tỉnh, thành phố, ngoài việc đào tạo theo chương trình, kế hoạch, cần liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao đáp ứng sử dụng công nghệ mới, trang thiết bị, máy móc nông cụ hiện đại, chế phẩm vi sinh, vật tư nông nghiệp sản xuất theo quy mô lớn. Đồng thời phát huy thế mạnh của Hội về công tác dạy nghề ngắn hạn, nhân rộng mô hình “nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và mở rộng qui mô dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phong trào phát triển. - Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm vận động các nguồn lực hỗ trợ nông dân và đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá hàng nông sản ra thị trường ngoài nước. - Đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân theo theo Quyết định 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tập trung nguồn vốn quỹ để hỗ trợ vốn vay cho các hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mở rộng đầu tư sản xuất, xây dựng mô hình. - Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến ngư cho hội viên, nông dân và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Tổ chức hội chợ triển lãm, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hướng dẫn nông dân tham gia đăng ký, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. 4. Tăng cường hoạt động tương trợ, cùng nhau làm giàu, giúp nông dângiảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào. - Vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động sản suất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao để phấn đấu cùng nhau làm giàu. - Nghiên cứu phương thức hỗ trợ, đầu tư nguồn lực theo chiều sâu có hiệu quả giúp nông dân nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo. - Cơ sở Hội theo dõi, phân loại và xác định rõ nguyên nhân của từng hộ nghèo, khuyến khích hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn, để vươn lên thoát nghèo. Đảm bảo việc bình xét danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phải đạt tiêu chí giúp đỡ hộ nghèo, hộ còn gặp khó khăn trong sản xuất. - Tại các tỉnh, thành có huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt Nghị quyết, tập trung đầu tư từ các chương trình, dự án, vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền để phát triển mạnh phong trào. - Tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá các mô hình giảm nghèo do Hội Nông dân các cấp hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ. 5. Tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xuất phát từ hoạt động thực tiễn phong trào, nắm bắt nguyện vọng của nông dân nói chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kiến nghị của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các cấp Hội cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với nhà nước, các ngành, chính quyền hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết trong hệ thống Hội. 2. Các tỉnh, thành Hội xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết này phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến cơ sở Hội, cán bộ, hội viên, nông dân tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức và chỉ đạo phong trào. Phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Thường xuyên kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào. 3. Các ban, đơn vị Trung ương Hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Giao Ban Kinh tế Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết với Ban Thường vụ Trung ương Hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay5,973
  • Tháng hiện tại60,555
  • Tổng lượt truy cập5,787,964
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây