img1 img1 img1 img1 img1

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Bù Đăng

Thứ sáu - 14/04/2017 14:18
BP - Những năm qua, phong trào thanh niên thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi ở Bù Đăng đạt nhiều kết quả. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, có chí hướng và khát vọng làm giàu. Trong quá trình phát triển, họ còn luôn quan tâm tạo việc làm cho thanh niên và tích cực thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa bàn.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ Ngô Minh Tùng (SN1991), trú thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn. Tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm theo chuyên môn, anh đã xin vào làm ở một số nhà hàng tiệc cưới tại thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình làm việc, anh tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, từ kỹ thuật chế biến các món ăn đến quản lý nhân sự, liên kết kinh doanh. Với mong muốn được độc lập tự chủ, anh đã về quê phát triển kinh tế bằng nghề kinh doanh tiệc cưới và lấy tên là nhà hàng Tùng Bách. Nếu như những năm đầu nhà hàng Tùng Bách chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thôn, xã với số lượng ít thì đến nay, quy mô hoạt động đã được mở rộng sang những xã lân cận như Phú Sơn, Đồng Nai, Đoàn Kết, thậm chí phục vụ trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Một ngày nhà hàng có thể phục vụ 3-4 đám cưới, số lượng khoảng hơn 3.000 khách. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 400 triệu đồng. Minh Tùng cho biết để nhà hàng ngày càng phát triển, thu hút được nhiều khách, anh đã xây dựng phương châm “uy tín, chất lượng”, lấy sự hài lòng của khách làm mục tiêu phục vụ. Vì vậy, giá phải “bình dân”, các món ăn thường xuyên thay đổi, thực phẩm tươi sống. Để có được điều đó, anh đã liên kết với nhiều công ty cung cấp hải sản ở Vũng Tàu, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh; trang trí sân khấu và phông rèm mới, hấp dẫn. “Mặc dù lợi nhuận thu được từ mỗi đám cưới không nhiều, nhưng nếu liên tục có đơn hàng thì sẽ thường xuyên có việc làm và tăng thu nhập, đó mới là sự phát triển bền vững” - Minh Tùng tự tin nói. Từ nhiều năm nay, với vai trò là Phó bí thư Đoàn xã Thọ Sơn, Minh Tùng đã thành lập nhiều đội, nhóm thanh niên ở các thôn chuyên phục vụ đám cưới, anh thường tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm phục vụ, làm hài lòng thực khách. Vì vậy khi có đám tiệc, đội phục vụ luôn sẵn sàng. Đào Ngọc Mai, một đoàn viên đã 2 năm gắn bó với công việc tiếp tân đám cưới của nhà hàng cho biết: “Mỗi đám cưới thường có khoảng 10 đoàn viên phục vụ, vừa có thêm thu nhập, lại được gặp gỡ giao lưu, gần gũi và thân thiết. Thông qua đó, các phong trào thanh niên trong thôn, xã ngày càng sôi nổi”. NĂNG ĐỘNG LÀM KINH TẾ Cũng đam mê làm giàu, Huỳnh Long Hảo (SN1991), thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, xuất phát điểm từ 1 ha cà phê được gia đình chia cho khi lập gia đình riêng. Hiện anh đã có 6 ha với nhiều loại cây trồng. Anh Hảo cho biết, hằng năm, tích lũy được đến đâu anh mua thêm rẫy tới đó. Để tránh rủi ro của thời vụ cũng như giá nông sản, anh trồng nhiều loại cây, gồm 1 ha điều, 3 ha cà phê, 1 ha tiêu và 1 ha cao su. Trong 1 ha điều anh còn trồng xen bơ, sầu riêng. Những năm gần đây, cao su, điều và cà phê đều đã cho thu hoạch, giúp gia đình thêm thu nhập đáng kể, anh tiếp tục trồng thêm cam sành và mua máy phục vụ sản xuất. Không dừng lại ở đó, với kiến thức được đào tạo bài bản về trồng trọt, bảo vệ thực vật, anh vay vốn ngân hàng mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Vừa bán hàng anh vừa tư vấn kỹ thuật thâm canh cho nông dân. Bên cạnh đó, anh tập trung đầu tư các mô hình trình diễn để bà con tới tham quan, học hỏi. Từ đó cửa hàng vật tư nông nghiệp Long Hảo ngày càng có uy tín, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Mấy năm gần đây, thu nhập từ rẫy và kinh doanh buôn bán, trừ chi phí mỗi năm anh thu trên 800 triệu đồng. Anh Hảo nói: “Bây giờ còn trẻ, khỏe, tôi phải cố gắng phát triển kinh tế. Tuổi trẻ là phải dám nghĩ, dám làm, biết tư duy và kịp thời nắm bắt biến động của thị trường để điều chỉnh cách làm ăn cho phù hợp”. Điều đáng quý là tất cả hoạt động xã hội, từ thiện ở xã anh đều tích cực tham gia như: ủng hộ quà tết người nghèo, tài trợ kinh phí cho các giải đấu thể dục thể thao của thanh niên, đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân và nhiều hoạt động khác với số tiền mỗi năm trên 50 triệu đồng. Chị Đào Thị Quế, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Bù Đăng cho biết: “Hiện nay, Huyện hội đã thành lập một câu lạc bộ thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi với 30 thành viên, mỗi thành viên đều xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả như anh Lê Duẩn Cương, xã Thọ Sơn kinh doanh kim khí điện máy; anh Hoàng Tiến, xã Thống Nhất kinh doanh hạt điều rang muối; anh Lưu Xuân Thương, xã Bom Bo nuôi heo công nghiệp và nhiều mô hình khác... Đặc biệt, tất cả mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đều tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa bàn, họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn có trách nhiệm với cộng đồng xã hội”. Quang Minh (Báo Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,207
  • Tháng hiện tại14,408
  • Tổng lượt truy cập6,386,003
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây