Có thể kể đến điển hình như mô hình đa cây của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Văn Ẩm tại tổ 5, khu phố 3, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Năm 1978, ông Ẩm vào miền Nam lập nghiệp và tham gia làm công tác cán bộ cầu đường tại huyện Đồng Phú, Sông Bé. Đến năm 1990, ông nghỉ việc về sống tại khu phố 3, phường Tân Đồng. Nhờ cố gắng tích góp, ông mua được ít đất để làm nhà và ổn định cuộc sống tại đây. Vào năm 1995, ông mua 09 sào đất và quyết định trồng điều nhưng thu nhập mang lại không cao, mỗi năm chỉ được 40 – 70 triệu đồng. Do đó, vào năm 2008, ông quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.
Ban đầu ông trồng thử 100 cây quýt rồi trồng xen ổi. Tuy nhiên, do quýt đường bị nhiều sâu bệnh nên ông chuyển sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Tuy gia đình ông gặp nhiều khó khăn trên vùng đất mới nhưng nhờ chịu thương, chịu khó nên đến nay gia đình ông có 0,9 ha cây trồng gồm một số loại hoa màu như: rau ngót, mướp… và các loại cây ăn trái như: chôm chôm bưởi, vú sữa, dâu tằm ăn quả (trong đó, bưởi khoảng 100 cây, chôm chôm thái 100 cây và dâu tầm gần 100 cây).
Ông Ẩm cho biết, trồng kết hợp hoa màu và cây ăn trái có điểm thuận lợi là mỗi khi tưới nước cho bưởi và chôm chôm thì ông có thể tưới được luôn cho cả rau, việc bón phân cũng tương tự.
Theo ông Ẩm, mô hình này có cái khó là đòi hỏi hội viên nông dân phải siêng năng, cần cù, bởi rau thì thu hoạch hàng ngày còn bưởi và chôm chôm thì theo mùa vụ. Do đó công việc của ông cũng bận rộn quanh năm. Tuy nhiên, cái lợi thu được lại không nhỏ. Nhờ sự năng động, sáng tạo tận dụng những khoảnh đất trống quanh gốc cây ăn quả để trồng thêm rau màu giúp ông có nguồn thu thường xuyên mà không cần vốn lớn. Với diện tích 0,9 ha cây trồng kết hợp, hiện nay, mỗi năm ông có được nguồn thu nhập ổn định từ 120 – 150 triệu đồng. Ông ẩm cho biết từ năm 2020 trở đi có thể thu nhập lên tới hơn 200 triệu đồng/1 năm.