Tỷ phú chăn nuôi ở Tân Tiến (Bình Phước)
Thứ tư - 16/03/2016 14:30
Năm 1992, ông Đỗ Bá Ngọc (1964) rời Thanh Hóa vào ấp An Hòa, xã Tân Tiến (Đồng Phú, Bình Phước) lập nghiệp. Hơn 20 năm phấn đấu không mệt mỏi, đến nay ông đã thành “đại gia”, được người dân trong và ngoài xã biết đến với tài sản trị giá nhiều tỷ đồng.
Dám nghĩ, dám làm Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi gà, heo và động vật hoang dã của gia đình, ông Ngọc chia sẻ, có được cơ ngơi như hôm nay, vợ chồng ông phải trải qua những ngày tháng lao động vất vả. Chỉ tay vào dãy chuồng đang nuôi 200 con heo thịt hơn 2 tháng, ông nói: “Nhận thấy nuôi heo có lời, lại có nguồn phân bón để chăm sóc cây trồng nên gia đình tôi đầu tư nuôi và nhân rộng. Bước đầu hiệu quả kinh tế từ nuôi heo tương đối cao, cả nhà đều phấn chấn, vui mừng”. Mô hình chăn nuôi đa con đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Ngọc Bán hết cơ ngơi ngoài quê, vợ chồng ông Ngọc mua được 3 ha đất sản xuất. Thời gian đầu, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, vợ chồng ông động viên nhau phải chịu khó bám đất, bám rẫy. Để khắc phục khó khăn, ông chọn giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” vừa trồng rau, đậu tương, bắp... ổn định lương thực và có nguồn thu vừa trồng điều và cao su. Đất không phụ công người, sau vài tháng chăm sóc, hoa màu trong vườn lên xanh tốt, năng suất cây trồng đạt cao, vụ đầu tiên thu hoạch đem bán đã có dư, ông tiếp tục đầu tư sản xuất. Năm 2010, ông nhận thấy việc trồng trọt phải kết hợp chăn nuôi mới cho thu nhập cao và không lãng phí công lao động. Nghĩ là làm, ông chủ động đi tìm hiểu thực tế các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn, theo dõi chương trình khuyến nông trên truyền hình, tìm hiểu qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi do khuyến nông xã, hội nông dân tổ chức, rồi áp dụng vào sản xuất của gia đình. Ông cũng xác định, muốn làm giàu từ chăn nuôi phải mạnh dạn đầu tư và nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng thì mới thành công nên ông tập trung phát triển chăn nuôi bền vững theo quy mô trang trại. Gặt hái thành công Ông Ngọc cho biết: “Năm 2010, chim trĩ và gà Đông Tảo đang “hot” nên tôi và con gái ra tận miền Bắc mua mỗi loại 50 con về làm giống. May mắn là chim trĩ và gà Đông Tảo đều sinh trưởng tốt nên gia đình vừa nuôi vừa nhân giống. Khi đã đủ giống, tôi bắt đầu nuôi gà, chim lấy thịt và cung cấp giống ra thị trường”. Hiện trang trại của ông nuôi 600 con chim trĩ, 200 con gà Đông Tảo nhằm cung cấp giống, bán thịt cho người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, cứ vào dịp tết là gà Đông Tảo lại “cháy” hàng. Ngoài ra, ông còn nuôi 4.000 con gà Hơmông, gà quý phi... cung cấp cho thị trường. Nắm bắt người dân có xu hướng nuôi chim công, trĩ ngũ sắc làm cảnh nên ông Ngọc làm thủ tục đăng ký với Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú về nuôi động vật hoang dã. Ông đã mua một cặp công bố mẹ giá 40 triệu đồng và một cặp chim trĩ ngũ sắc giá 6 triệu đồng. Bước đầu cho thấy, các loài chim này thích nghi và phát triển tốt với khí hậu của tỉnh nên sắp tới ông sẽ nhân đàn để kinh doanh. Hiện mô hình chăn nuôi đa con của gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng/người. Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: “Ông Ngọc là một điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Thành công của ông có được chính là nhờ sự linh hoạt, nhạy bén và quyết đoán trong việc lựa chọn phương thức sản xuất. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Ngọc được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi và đều được ông nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ”. Hữu Dụng, Báo Bình Phước