Người tham gia bảo hiểm xã hội cần biết
Thứ hai - 24/08/2015 14:08
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bao gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và nhân trên phạm vi cả nước.
I.Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Đối tượng: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và làm việc trong khối lực lượng vũ trang.
Mức đóng: Từ 01/2007-12/2009 mức đóng bảo hiểm BHXH hàng tháng bằng 20% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: Người lao động đóng 5%; Người sử dụng lao động đóng 15%; Từ 01/2010-12/2011 mức đóng bằng 22%, trong đo: Người lao động đóng 6%; Người sử dụng lao động đóng 16%; từ 01/2012-12/2013 mức đóng bằng 24%, trong đó: Người lao động đóng 7%; Người sử dụng lao động đóng 17%; Từ 01/2014 trở đi mức đóng bằng 26%, trong đó: Người lao động đóng 8%; Người sử dụng lao động đóng 18%;
Quyền lợi: Được cấp sổ BHXH và hưởng quyền lợi của 5 chế độ sau:
1.Chế độ ốm đau:
Người lao động khi ốm được nghỉ việc hưởng trợ cấp:
-Từ 30 đến 70 ngày một năm tùy thuộc điều kiện làm việc và thời gian đóng BHXH;
- Người lao động mắc bệnh cần chữa dài ngày, hưởng tối đa không quá 180 ngày/năm. Trường hợp hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
- Con ốm: được nghỉ từ 15 ngày đến 20 ngày tùy thuộc độ tuổi của con.
Mức hưởng: Bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
2. Chế độ thai sản:
- Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản từ 4 đến 6 tháng tùy theo điều kiện làm việc. Sinh một lần từ hai con trở lên, tính từ con thứ 2 trở đi, mỗi con thêm người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày;
- Nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;
- Được nghỉ để đi khám thai, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Mức hưởng: Bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
- Hưởng trợ cấp một lần: Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%. Mức hưởng trợ cấp tối thiểu là 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó tăng dần phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm và thời gian đóng BHXH.
- Hưởng trợ cấp hàng tháng: Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Mức hưởng tối thiểu là 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó tăng dần phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm và thời gian đóng BHXH.
- Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngoài hưởng chế độ tử tuất theo quy định, thân nhân còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Ngoài ra còn được hưởng các quyền lợi khác tùy thuộc mức độ suy giảm và tình trạng thương tật, bệnh tật.
4. Chế độ hưu trí:
- Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;
- Người lao động có đủ 15 năm làm việc trong điều kiện đặc biệt theo quy định: Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên.
Lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công của 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm hoặc cả quá trình đóng BHXH tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH hoặc chế độ tiền lương mà người lao động đóng BHXH, sau đó cộng thêm 2% (đối với nam) hoặc 3% (đối với nữ) cho mỗi năm đóng BHXH vượt qua quá 15 năm, mức tối đa bằng 75%.
-Nếu đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
- Nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng thì hưởng trợ cấp một lần.
5. Chế độ tử tuất:
Người lao động đang đóng, bảo lưu thời gian đóng BHXH, đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động nghề nghiệp hàng tháng khi chết;
-Người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
- Khi đủ điều kiện thân nhân còn được hưởng chế độ tuất hàng tháng hoặc trợ câp tuất một lần.
II. Bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Đối tượng: Người lao động không thuộc diện tham giam BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng: Mức đóng BHXH hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng tỷ lệ phần trăm đóng BHXH tự nguyện nhân (x) với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
-Từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2009 bằng 16%.
- Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 bằng 18%.
- Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013 bẳng 20%.
- Từ tháng 01/2014 trở đi bằng 22%.
Quyền lợi: Được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
*Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và thời gian đóng BHXH tự nguyện.
III. Bảo hiểm thất nghiệp:
Đối tượng: Là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Mức đóng: Người lao động đóng 1% mức tiền công, tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng 1% tiền công, tiền lương tháng của người lao động.
Quyền lợi:
-Trợ cấp: Từ 2 đến 12 tháng tùy theo thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mức trợ cấp là 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Ngoài ra còn được hưởng:
-Hỗ trợ học nghề: Với thời gian không quá 6 tháng;
- Hỗ trợ tìm việc làm;
- Chế độ Bảo hiểm y tế.
ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT: XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI GẦN NHẤT