Tìm giải pháp ứng phó với hạn hán
Chủ nhật - 20/03/2016 21:47
Đó là chủ đề của diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại TP Phan Rang-Tháp Chàm sáng ngày 18/3.
Từ các giải pháp:
Đứng trước tình hình hạn hán hiện đang xảy ra gay gắt trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ gây ảnh hưởng đến SXNN và cấp nước sinh hoạt cho người dân, ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn kêu gọi các địa phương phải cấp bách chống hạn, đồng thời chia sẻ những khó khăn và nông dân vùng hạn phải gánh chịu. Vì vậy trong diễn đàn lần này với sự có mặt của các nhà quản lý, khoa học, các địa phương, nông dân và DN sẽ đưa ra những giải pháp và chia sẻ để ứng phó hạn hán nhằm tránh thiệt.
Cũng theo ông Thông, hiện nay có nhiều giải pháp ứng phó với hạn được nhiều địa phương và nông dân áp dụng hiệu quả như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tưới nước kiệm, nông độ phơi. Ngoài ra giải pháp giảm lượng hạt giống gieo sạ cũng mang lại hiệu quả không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận mà còn giảm lượng nước tưới nhưng chưa được nông dân ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ áp dụng rộng rãi.
Còn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, trong những các giải pháp thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn tiết kiệm lượng nước tưới đáng kể. Nếu SX 1 ha lúa cần đến khoảng 10.000 m3 nước/vụ, nhưng chuyển sang cây trồng cạn thì có thể SX được 3-5 ha và được nhiều nông dân hưởng lợi.
Ngoài ra giải pháp tưới nước tiết kiệm và phun mưa cũng giảm được nước tưới lên đến 40- 50% so với tưới tràn, trong khi đầu vào giảm nhưng lợi nhuận tăng 40%.
Về việc bố trí mùa vụ để né hạn, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ: Để ứng phó hạn hán các địa phương cần rà soát lại mùa vụ, rà soát lại diện tích; thậm chí có thể xem xét lại cơ cấu SX, có những vùng không thể làm được 3 vụ thì chuyển qua 2 vụ. Có những vùng cũng cần chuyển đổi qua cây trồng cạn hoặc cây trồng dài ngày thích ứng với điều kiện SX.
Ngoài ra, ở các vùng khô hạn có phát triển chăn nuôi thì nên chuyển đổi cây trồng phục vụ chăn nuôi thay vì tập trung trồng lúa. Việc rà soát lại cơ cấu giống cũng cần thiết. Ngoài một số giống đã thích nghi trong vùng, nhưng trong điều kiện khô hạn, nông dân cũng cần tăng cường thêm một số giống có khả năng chống chịu hạn để gieo trồng trong điều kiện thực tế của địa phương.
Liên quan về kết quả nghiên cứu chọn lọc giống mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thời gian qua đã chọn lọc giống lúa thuần ANS1, có thời gian sinh trưởng trung bình sớm, 87-105 ngày, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, thích nghi với điều kiện sinh thái vùng. Ngoài ra còn có các giống cây trồng cạn như lạc LDH.01; đậu tương ĐTDH.02, đậu xanh NTB.O2...phù hợp trên đất chuyển màu.
Đến việc áp dụng trên đồng ruộng
Trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, hán hán liên tục xảy ra, nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm, tuy nhiên hiện tại vùng “chảo lửa” Ninh Thuận nhiều vùng vẫn xanh tốt, ứng phó với hạn được nông dân áp dụng trên đồng ruộng mang lại hiểu quả.
http://nongnghiep.vn//upload//Article/thangnt/2016/3/18/3-1.JPG
Bộ NN-PTNT phát động giảm lượng hạt giống vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Tiêu biểu, như gia đình ông Lộ Trung Tài, thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) trước đây việc canh tác rau màu của gian đình ông chỉ tưới theo phương pháp tưới tràn, đầu tư nhiều giếng khoan, nâng cấp máy bơm nên chi phí đầu tư tăng cao, trong khi nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm nên SX gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ năm 2011 được sự quan tâm, hỗ trợ các cấp và cơ quan chuyên môn, gia đình ông đã triển khai ứng dụng TBKT tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống tưới phun mưa cho rau màu nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tài cho biết, với lợi ích và hiệu quả mang lại từ mô hình tưới tiết kiệm như giảm 40-50% lượng nước tưới, 70% công lao động so với cách tưới tràn nhưng lợi nhuận tăng 40%. Do đó từ quy mô diện tích áp dụng tưới tiết kiệm ban đầu hiện gia đình ông đã mở rộng diện tích lên 1 ha.
Tương tự, ông Hùng Ky, người cùng thôn cũng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm bằng phun bét cho 2,5 ha rau màu như lạc, măng tây, cà chua từ năm 2011 đến nay. Hiện nay mô hình điểm này đang được nhiều nông dân địa phương học hỏi nhân rộng.
“Nhờ gia đình tôi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho rau màu nên nguồn phục vụ SX luôn đảm bảo, năng suất cây trồng ổn định trong thời tiết nắng hạn. Với diện trên mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng”, ông Ky chia sẻ.
http://nongnghiep.vn//upload//Article/thangnt/2016/3/18/1-1.JPG
Mô hình tưới tiết kiệm của gia đình ông Hùng Ky mang lại hiệu quả
Còn tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) để tiết kiệm nguồn nước ít ỏi, vụ ĐX năm nay bà con đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang cây đậu xanh với diện tích hơn 100 ha. Theo nhiều nông dân, cánh đồng Mỹ Hiệp là cánh đồng rất khó khăn về nguồn nước, thông thường vụ ĐX dừng SX; tuy nhiên khi được chính quyền hướng chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây đậu xanh đã giúp nông dân tăng thu nhập.
Phan Minh Hòa, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Ninh Sơn cho biết, hiện đậu xanh đang sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất ước từ 1,5 tạ/sào, với giá bán 27.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi trên 3 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ ĐX năm nay toàn tỉnh chuyển 1.300 ha, chủ yếu là đậu xanh, cỏ. Ngoài ra áp dụng TBKT tưới tiết kiệm, phun mưa trên 300 ha cho các loại cây như nho, táo, rau màu.
“Nhờ áp dụng các biện pháp ứng phó hạn hán thực tế trên đồng ruộng nên đã tiết kiệm được nguồn nước đáng kể. Kế hoạch sắp tới địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này”, ông Thựu chia sẻ.
Dịp này, Bộ NN-PTNT đã chính thức phát động giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ xuống còn 80kg/ha vào năm 2020 tại vùng Duyên hải Nam Trung bô và Tây Nguyên.
Sau khi phát động, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng 8 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ cũng đã ký kết giao ước thi đua về giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng hành động cụ thể.
KIM SƠ
Nguồn: NNVN