Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Chính sách chưa đủ tầm, nông dân bị lợi dụng
Thứ tư - 27/01/2016 15:45
“Vì sao tới ngay cả chúng tôi đều không muốn con em mình làm nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo rớt mồng tơi, phải mò cua bắt ốc để mưu sinh, lấy tiền cho con ăn học để thoát cảnh làm nông như mình? Tại sao bây giờ người nông dân lại muốn từ bỏ cội nguồn của mình?...”
Đó là những câu hỏi mà Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã hỏi ngược khi được báo giới phỏng vấn về căn nguyên nông dân ly nông, ly hương bên lề Đại hội XII sáng nay, 23.1.
Ông có thể nói rõ hơn về nguy cơ đầu tiên đối với nông dân ông đề cập trong tham luận, đó là “không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là "sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp”?
- Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường: Người ta còn lợi dụng nông nghiệp để làm ăn, lợi dụng việc trợ giúp nông nghiệp để làm ăn. Tôi lấy ví dụ cụ thể như trợ giá hoặc mua tạm trữ lúa gạo, nông dân không được gì cả. Doanh nghiệp ở giữa ăn hết. Chính sách ban đầu thì tốt, mục đích là muốn giúp nông dân được lãi 30%. Khi nông dân được mùa rớt giá thì Nhà nước mua tạm trữ lúa gạo, nhưng tất cả cái lợi nhuận đó lại vào doanh nghiệp hết. Thực tế đã chứng minh rất rõ.
Thực tế đã rõ vậy nhưng tại sao chính sách vẫn cứ tồn tại và kéo dài từ năm này qua năm khác, thưa ông?
- Cái đó thì anh chị phải hỏi người ra chính sách, phải hỏi Nhà nước. Còn chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều năm nay rồi nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi đi thế giới, thấy để giải quyết vấn đề được mùa rớt giá, họ có giải pháp rất cổ điển nhưng rất hiệu quả, đó là sử dụng các thiết bị lưu giữ, chúng ta vẫn nói là công nghệ bảo quan sau thu hoạch. Nói nôm na là “đắt bán chơi, rẻ để đấy”. Nhưng chúng ta chưa làm được điều này.
Chúng ta đều hiểu đặc điểm của nông nghiệp là theo mùa vụ. Đến vụ thì cùng thu hoạch. Nhưng quy luật muôn đời của thị trường là nhiều thì rẻ, ít thì đắt. Trong khi đó, chúng ta lại không bảo quản lưu trữ được thực phẩm. Vì thế, chúng tôi kiến nghị là phải có những kho lưu trữ, bảo quản lương thực có chất lượng để tư thương không thể ép giá người nông dân được. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng việc thực hiện, triển khai rất chậm chạp.
Chúng ta đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, mặt khác lại lo sợ chính sách tạo ra những kẽ hở khiến người nông dân bị lợi dụng?
- Đó là do chính sách chưa đủ tầm, chưa thực sự đúng ý nghĩa là hỗ trợ cho nông dân, nông thôn. Lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ, nâng đỡ của Nhà nước. Nhưng do chính sách chưa đủ tầm nên chưa thực sự hỗ trợ, nâng đỡ cho nông dân.
Nếu Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị mãi mà vẫn không có chuyển biến thì phải làm gì tiếp, thưa ông?
“Tôi biết những điều tôi nói là vấn đề nhiều người sẽ ngại không muốn nói. Nhưng với tinh thần mạnh dạn và thẳng thắn trước Đại hội Đảng, tôi thấy cần phải nói, cần phải có tiếng chuông cảnh báo về thực trạng này” - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường.
Hội Nông dân chỉ là một tổ chức đoàn thể, không phải cơ quan lãnh đạo như Đảng, không phải cơ quan quản lý Nhà nước như Chính phủ hay chính quyền các cấp, cũng không có sức mạnh kinh tế như tập đoàn nọ tập đoàn kia. Vậy thì kiến nghị cao nhất là kiến nghị tại Đại hội Đảng toàn quốc nên tôi phải đưa ra kiến nghị tại Đại hội lần này. Trước đây chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần với T.Ư, Chính phủ, Quốc hội rồi và đây là lần đầu tiên đưa kiến nghị ra trước Đại hội Đảng, với tinh thần mạnh dạn và thẳng thắn để nói về những khó khăn của nông thôn, nông dân, như một tiếng chuông cảnh báo.
Trong tham luận, ông có nói tới thực trạng nông dân chán làm ruộng, chỉ muốn ly nông và ly hương. Căn nguyên của vấn đề đó là do đâu?
- Anh, chị có phải là nông dân không? Cơ bản chúng ta ở đây đều là con em nông dân. Vì sao tới ngay cả chúng tôi đều không muốn con em mình làm nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo rớt mồng tơi, phải mò cua bắt ốc để mưu sinh, lấy tiền cho con đi học để thoát cảnh làm nông như mình? Tại sao bây giờ người nông dân lại muốn từ bỏ cội nguồn của mình?
Vì nông dân khổ quá! Nông dân yếu thế quá. Vì vậy, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là rất lớn trong việc đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân. Chúng tôi đặt ra vấn đề này, như một tiếng chuông cảnh báo để Đảng nhìn thấy rõ hơn. Tôi đã đề cập tới 5 cái “nhất” mà không ai địch được với nông dân, đó là: Hy sinh nhiều nhất; đóng góp nhiều nhất; nghèo nhất; được hưởng lợi ít nhất; bức xúc nhiều nhất.
5 cái nhất này là câu trả lời vì sao không ai muốn làm nông dân. Và chúng ta phải giải quyết bằng được bài toán này.
Chính vì giải quyết vấn đề đó mà Hội Nông dân đã đề ra nhiệm vụ xây dựng hình mẫu người nông dân kiểu mới?
- Đúng vậy. Làm gì có chuyện nông thôn mới được duy trì bởi người nông dân cũ? Người nông dân cũ là gì: Là trình độ thấp, văn hóa lạc hậu, vậy thì làm sao làm được nông thôn mới. Chúng ta mới đang tập trung xây dựng nông thôn mới, nhưng người giữ nó, thực hiện nó lại là người nông dân cũ thì làm sao được. Vì thế chúng tôi kiến nghị phải có người nông dân kiểu mới, xứng tầm.
Tôi đề xuất người nông dân kiểu mới phải có 5 đặc trưng mới là: Nhận thức mới, nhận thức về vai trò, vị trí của mình; Thứ hai là phải có kiến thức mới, đó là kiến thức, trình độ về khoa học công nghệ, về kinh tế thị trường, về giá cả, thương hiệu... Thứ ba là phải có ý thức mới. Bây giờ người ta đua nhau trở thành hộ nghèo để được hưởng chính sách. Ý thức trông chờ ỷ lại rất lớn. Và cũng không thể không có văn hóa mới và quyết tâm mới được. Lười biếng không chịu vươn lên thì làm sao có thể xây dựng nông thôn mới.
5 cái mới đó sẽ giúp người nông dân có đời sống cao, thu nhập cao, mới có sức để giữ và phát triển nông thôn mới, nhờ vậy mới có sức tiếp cận với công nghệ tiên tiến hiện đại, phát triển của thế giới.
Trong 5 nhiệm vụ trên, theo ông nhiệm vụ nào là khó khăn nhất?
- Theo tôi quan trọng nhất và đột phá nhất là kiến thức mới. Có trình độ mới có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, chứ không thể làm theo kinh nghiệm. Phải dạy cho nông dân, đào tạo cho nông dân, làm gì cũng phải có kiến thức, có đào tạo mới thành công được. Nuôi vài ba con gà, con lợn thì không cần học cũng được, nhưng nuôi cả vài trăm, vài nghìn con mà không có kiến thức thì không thể làm được. Có kiến thức sẽ hỗ trợ cho nhận thức. Kiến thức mới thì văn hóa cũng sẽ mới.
Cái này mới là đề xuất, Đảng và Nhà nước phải chỉ đạo tập trung thành chuyên đề có tiêu chí cụ thể, có lộ trình mục tiêu để mà lãnh đạo, phấn đấu. Đây là chuyện rất lớn, là vấn đề đất nước, dân tộc. Nông dân chiếm gần 70% dân số cơ mà. Cải biến nông dân chính là cải biến xã hội Việt Nam.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Nguồn: Dân Việt