Thêm giải pháp phát triển cây điều
Chủ nhật - 21/05/2017 21:29
hế mạnh của tỉnh Bình Phước là cây công nghiệp như: điều, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái… Trong đó, cây điều có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Với diện tích hơn 134.000 ha, năng suất bình quân khoảng 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt trên 210.000 tấn/năm, hiện hạt điều Bình Phước là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau cà phê. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước, hằng năm Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên dương nông dân trồng điều giỏi, đồng thời thành lập các chi hội nghề nghiệp nông dân trồng điều giỏi, tiến tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng điều giỏi. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các hộ dân tiếp cận vốn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng.
THÀNH LẬP CHI HỘI NÔNG DÂN TRỒNG ĐIỀU GIỎI
Giúp nông dân gắn bó với cây điều, đồng thời xây dựng thương hiệu điều Bình Phước, những năm qua các cấp hội nông dân đã vận động, khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, chi hội trồng điều giỏi. Đến nay, toàn tỉnh có 77.612 hộ trồng điều (chiếm 52% số hộ nông nghiệp trong tỉnh) với 31 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng điều. Bên cạnh đó còn có 226 doanh nghiệp, 328 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến điều với công suất khoảng 500 ngàn tấn/năm, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động của tỉnh, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nhân điều của cả nước năm 2016 trên 3 tỷ USD.
Giúp nông dân tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật để đầu tư vào sản xuất điều, vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các xã thành lập chi hội nghề nghiệp nông dân trồng điều giỏi theo tinh thần Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23-6-2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, trong năm 2017 đã có 6 xã thuộc 6 huyện, thị xã đăng ký thành lập chi hội nông dân trồng điều giỏi. Mỗi chi hội có từ 20-60 hội viên. Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc thành lập chi hội nông dân trồng điều sẽ giúp các hộ có nơi trao đổi thông tin về thời tiết, nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, cây giống. Bên cạnh đó, hội viên có thể chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phổ biến những sáng kiến, sáng tạo trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu liên kết sản xuất “nông dân cùng thắng”.
Gia đình ông Lê Văn Bình có 4 ha điều, là thành viên Chi hội nông dân trồng điều giỏi thôn Phú Tâm, xã Phú Riềng (Phú Riềng). “Năm 2017, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã không biết cách chăm sóc cây trồng nên sản lượng giảm đến 30%, thậm chí có hộ hầu như mất trắng. Thế nhưng, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn điều của gia đình vẫn cho năng suất cao, bình quân từ 3-3,2 tấn/ha. Để giúp các hộ trồng điều trên địa bàn có điều kiện nâng cao năng suất cây trồng, tôi đã đăng ký tham gia chi hội nông dân trồng điều giỏi. Hy vọng với những kinh nghiệm sản xuất của bản thân, tôi có thể chia sẻ giúp các hộ cùng phát triển kinh tế” - ông Bình nói.
Ngoài được hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, khi tham gia tổ chức nghề nghiệp hội viên có điều kiện tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất. Đặc biệt, hội viên còn được ban chấp hành hội nông dân xã liên hệ với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo thu mua hạt điều với giá ổn định.
NHÂN RỘNG CÁC ĐIỂN HÌNH
Ngoài thành lập các chi hội trồng điều giỏi, hằng năm Hội Nông dân tỉnh còn tổ chức tuyên dương nhằm nhân rộng điển hình nông dân trồng điều giỏi. Đồng thời vận động nông dân trồng điều theo hình thức liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm điều. Từ đây phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi ngày càng được nhân rộng, nhiều hộ trồng điều duy trì năng suất từ 2,2-3,2 tấn/ha. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 100 hộ được Hiệp hội Điều Việt Nam tặng bằng khen tuyên dương trồng điều giỏi và có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội tại địa phương năm 2016.
Tiêu biểu như hộ nông dân Nguyễn Văn Bằng, thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân (Phú Riềng) đang có 7 ha điều. Do thường xuyên áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như tỉa cành, bón phân, dùng màng phủ nông nghiệp tủ rác và rải nấm sinh học tạo phân bón cho cây điều, xịt thuốc đúng thời điểm... nên vườn điều của gia đình ông luôn cho năng suất từ 2,8-3 tấn/ha. Hằng năm, gia đình ông còn phổ biến kiến thức, khoa học - kỹ thuật cho 25 hộ dân tại địa bàn; giúp đỡ 15 lao động có việc làm thường xuyên; hỗ trợ vốn giúp 2 hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông Phan Văn Thuyết ở thôn 8, xã Bình Minh (Bù Đăng) có 5,2 ha điều. Từ năm 2014-2016, năng suất vườn điều của gia đình ông đạt từ 2,5-2,6 tấn/ha. Ông Thuyết cho biết: Sau khi thu hoạch vụ điều năm 2016, gia đình đã tỉa cành, tạo tán cho cây. Thời điểm này cây điều yếu, sức đề kháng kém nên phải bón phân, xịt thuốc trừ sâu, kháng nấm. Đồng thời thường xuyên thăm vườn phát hiện biểu hiện của bệnh trên cây... để có biện pháp khắc phục kịp thời. Nhờ đó, mùa vụ năm 2017 với 5,2 ha gia đình tôi đạt sản lượng 18 tấn.
Bà Đào Thị Lanh chia sẻ: “Để tiếp tục hỗ trợ ngành điều Bình Phước phát triển, ngoài thành lập các chi hội nông dân trồng điều giỏi và nhân rộng điển hình tiên tiến, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tham mưu, kiến nghị Hiệp hội Điều Việt Nam tiếp tục giúp đỡ doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ kết hợp xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp hội viên liên kết ký hợp đồng trực tiếp bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng điều thông qua chi hội nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tổ chức các lớp tập huấn quy trình sản xuất điều sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đối với cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều nhỏ làm vệ tinh cho các công ty lớn có tiềm lực xuất khẩu trực tiếp. Từ đó tăng kim ngạch, giá trị, lợi nhuận cho ngành điều Bình Phước”.
Thùy Hương