Google hỗ trợ đào tạo kỹ thuật số cho 30.000 nông dân Việt Nam (trong đó có tỉnh Bình Phước)
Thứ hai - 29/05/2017 08:29
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức buổi Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ Hội và nông dân Việt Nam”.
Tham dự buổi hội thảo, về phía Trung ương Hội NDVN có ông Lại Xuân Môn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội NDVN; Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn. Bên phía tập đoàn Google có ông Eric Schmidt- Chủ tịch Alphabet; ông Nitin Gajria- Giám đốc quốc gia của Việt Nam, Lào và Campuchia, Google châu Á- Thái Bình Dương; ông Ted Osius- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đại biểu nông dân của 9 tỉnh, thành phố tham gia dự án.
Theo kế hoạch dự án, trong thời gian 3 năm từ 2017 - 2019, Tập đoàn Google sẽ hỗ trợ Hội NDVN trong việc tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số thiết yếu cho hơn 30.000 nông dân ở 9 tỉnh của Việt Nam gồm: Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bạc Liêu. Google sẽ giúp đỡ Hội NDVN đào tạo 40 cán bộ Hội trở thành giảng viên nguồn; 500 cán bộ Hội được đào tạo và thực hành sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet; thành lập 150 câu lạc bộ nông dân với Internet. Những hoạt động này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 10.000 hội viên, nông dân được đào tạo thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại tuyến. Ngoài ra, cũng sẽ có thêm 20.000 hội viên, nông dân được đào tạo trực tuyến.
Sau các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao sẽ trang bị thêm kỹ năng cho cán bộ, hội viên, nông dân trong việc sử dụng các công cụ của Google. Từ đó, hội viên, nông dân có thể tìm kiếm, chia sẻ, áp dụng các thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, sáng kiến hay, các công nghệ tiên tiến nhằm đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định: Hiện nay, tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại di động và máy tính khá cao; sóng di động cũng đã được phủ khắp 100% lãnh thổ; kết nối Internet đến tận các xã, thôn nên Việt Nam đang có lợi thế trong việc khuyến khích nông dân sử dụng Internet để phát triển kinh tế nông thôn.
Để hướng tới phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững, theo Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn, việc đầu tư và đào tạo để hội viên, nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet là rất cần thiết, nhất là trong quá trình toàn cầu hóa.
Chủ tịch Alphabet, ông Eric Schmidt cũng cho biết, ông rất vui vì Google đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn như, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sử dụng và xem nội dung trên các kênh YouTube. Tuy nhiên, việc ứng dụng và truy cập thông tin mới chỉ phổ biến ở các thành phố, do đó Google mong muốn đưa Internet và kiến thức công nghệ thông tin đến được với mọi người dân Việt Nam.
Chương trình đào tạo đã được xây dựng với sự đóng góp của Hội NDVN và dựa trên kinh nghiệm thực tiễn thu thập được trong quá trình tiếp cận dự án kể từ năm 2016, là thời điểm việc tài trợ chính thức được triển khai. Sau khi diễn ra chương trình thí điểm vào quý I/2017 Google đánh giá rằng nhiều nông dân cần có sự hỗ trợ liên tục sau khóa học. Do vậy, khóa học sẽ tiếp tục được mở rộng cho cả các thế hệ trẻ tiếp theo của các hộ nông dân cùng được tham gia vào chương trình.
Ông Nitin Gajria- Giám đốc Google châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: Bằng cách xây dựng một “hệ thống bạn học”, gồm cả con và cháu của các hộ nông dân, già lẫn trẻ đều được đào tạo về cách sử dụng các công cụ cơ bản và các ứng dụng hỗ trợ nông nghiệp, để bảo đảm nông dân có thể nhận được sự hỗ trợ từ bạn học của mình sau khi kết thúc khoá học. Các giảng viên sẽ bắt đầu tham gia chương trình đào tạo từ cuối tháng 5 này, sau đó sẽ lên kế hoạch đào tạo lại cho hội viên, nông dân vào tháng 7 tới.
Chia sẻ về nhu cầu sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet, bà Nguyễn Thị Thắm- Phó Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn phường Đa Mai- thành phố Bắc Giang- tỉnh Bắc Giang bày tỏ: Tôi và những người nông dân làm nông nghiệp rất muốn tiếp cận cũng như áp dụng KHKT hiện đại, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm đạt kết quả và chất lượng sản phẩm cao. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định như: Không có các phương tiện như điện thoại thông minh, máy tính; không được hướng dẫn cách sử dụng thiết bị nên tôi mong muốn tới đây sẽ được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh, máy tính hay máy tính bảng. Đồng thời, Hội duy trì các câu lạc bộ “Nông dân với Internet” để giúp nông dân có sân chơi, thường xuyên giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiển Khánh- huyện Vụ Bản- tỉnh Nam Định cho biết: Hiện nay, cần thông tin gì, tôi chỉ mở máy tính, gõ vào Google là có ngay. Nhờ Internet, tôi đã biết cách xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp của mình tốt hơn, biết áp dụng KHKT để hạn chế bệnh, đạt năng suất cao hơn cũng như quảng bá sản phẩm để nhiều người biết tới. Từ đó giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Kết luận tại buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Lều Vũ Điều khẳng định, để giúp người nông dân tiếp cận được với công nghệ thông tin dự án của Hội NDVN cần: Chọn đúng đối tượng và địa bàn tham gia, chọn người tập huấn, hướng dẫn tốt; tranh thủ được sự đồng tình của chính quyền địa phương để có thể mở rộng dự án; hội viên, nông dân phải được tiếp cận với nguồn thông tin chính xác do hiện nay thông qua mạng Internet vẫn còn có khá nhiều những thông tin không lành mạnh, đúng đắn. Thực hiện thành công dự án sẽ góp phần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
An Phúc