Hiệu quả từ mô hình tổ hội nuôi heo rừng lai ở Thác Mơ - Phước Long
Thứ hai - 05/11/2018 16:08
Được thành lập từ tháng 7/2018 đến nay với 8 thành viên, mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi heo rừng lai tại Phường Long Thủy - Thị xã Phước Long bước đầu đã phát huy hiệu quả và mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết: Ban đầu, các hộ nông dân nuôi heo rừng lai tự phát thành lập nhóm với mong muốn có một nơi để trao đổi kinh nghiệm nuôi heo và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau khi đề xuất với với Hội Nông dân thì Tổ hội nghề nghiệp nuôi heo rừng lai ra đời với hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của tổ chức Hội Nông dân. Trước đây, những hộ dân tại Khu 5 - Phường Long Thủy (Phước Long) đầu tư nuôi heo thường. Tuy nhiên đầu ra khá bấp bênh dẫn đến thua lỗ kéo dài nhiều năm. Từ đó, nông dân tại đây đã thử nghiệm nuôi heo rừng lai. Trong quá trình nuôi, nhận thấy heo rừng ít bệnh, nhẹ công chăm sóc, lại được thị trường ưa chuộng nên các hộ nông dân đã mua thêm con giống và xây dựng chuồng trại kiên cố để chuyển đổi hoàn toàn từ nuôi heo thường sang heo rừng. Đến nay, tổ hợp tác đang nuôi khoảng gần 300 con heo rừng thương phẩm và trên 20 con heo giống. Dự kiến lợi nhuận thu về từ 50 - 80 triệu đồng/hộ/năm.
Heo rừng là loài ăn tạp nên ít tốn chi phí thức ăn. Thức ăn chủ yếu của heo tại đây là cám gạo, hèm, chuối cây và các loại rau dồi dào có thể dễ dàng tìm thấy trong vườn. Bên cạnh đó, heo rừng là loài hoang dã nên khi sinh sản không tốn công chăm sóc, chỉ cần tách ra chuồng riêng, tránh heo mẹ dẫn heo con ra bên ngoài trúng gió, mưa làm heo con bị tiêu chảy và chết. Việc xây dựng chuồng heo cũng khá đơn giản, nếu nhà có vườn rộng được bao bởi tường rào thì thả heo đi ăn, tối hoặc giờ cho ăn chúng sẽ tự về chuồng. Nếu vườn hẹp thì chỉ cần mái che mưa nắng, vách cao ngăn heo phóng ra ngoài, đặc biệt heo đực giống phải được nhốt ở chuồng riêng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo, Ông Trần Hữu Phước - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp cho biết: heo rừng là động vật hoang dã, sống thích nghi tốt với tự nhiên, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, không để phân đọng, đồng thời phải trang bị máng ăn, nước uống để bổ sung thêm thức ăn cho heo. Người nuôi heo có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như: các loại rau, củ, quả cũng như gom thức ăn dư thừa từ các gia đình hàng xóm.
Trong quá trình nuôi, các hộ dân nơi đây cũng gặp không ít khó khăn như: Để bảo tồn giống và thuần hóa heo rừng giống rất khó vì đây là loài hung dữ khi sống trong môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công người nuôi bất cứ lúc nào, nhất là lúc đẻ. Đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định dù nhu cầu thị trường rất lớn. Công tác truyền thông về tổ hợp tác chưa nhiều dẫn đến đầu ra cho sản phẩm chủ yếu là truyền tai và người mua đến tận nơi để đặt hàng… Tuy nhiên, sau khi Tổ hội ra đời, đã có sự chuyển biến tích cực hơn, cụ thể: Thông qua các kênh tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp, nhiều doanh nghiệp và các hộ kinh doanh ngoài tỉnh đã biết và đến đặt hàng lâu dài với Tổ hội về việc cung ứng heo rừng sạch. Kỹ thuật chăn nuôi heo cũng được cải thiện rất nhiều thông qua quá trình sinh hoạt tổ và trao đổi kinh nghiệm nuôi heo…
Với mức giá tiêu dùng hiện nay từ 90 - 110.000 đồng/kg thịt heo rừng lai. Đây rõ ràng là mô hình mới, vốn đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của Bình Phước cần được nhân rộng trong nhân dân.