img1 img1 img1 img1 img1

Nông hộ cần phải biến đổi

Thứ ba - 21/02/2017 08:21
Hồi ấy khi làm Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú tôi đã sang Nhật nghiên cứu về chè, tôi tưởng họ làm bạt ngàn nhưng không phải. Vẫn là hộ nhỏ thôi nhưng đều sản xuất trong HTX...
Hiểu và cảm thông với nông dân
Ở ta phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa ban đầu cũng có một số địa chủ, phú nông thực hiện nhưng không phổ biến. Giờ bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, đang thu hút nhiều lao động trẻ khỏe của nông nghiệp, thu hút đất đai của nông nghiệp nhưng bền chặt vẫn cứ là hộ. Hộ nếu chỉ nói về mặt kinh tế không thôi thì đúng là họ chán ruộng, họ cho mượn ruộng, họ bỏ ruộng. Nhưng bỏ ruộng mà lại không bán ruộng vì sao? Phải là người nông dân mới hiểu được vấn đề này. Đã thành truyền thống, thửa ruộng gắn bó với người nông dân như một thứ song hành trong quá trình lịch sử. Thửa ruộng là nơi sản xuất, là văn hóa, là cuộc sống của họ. Giờ đang xuất hiện một xu hướng mới như thế này, cùng với sản xuất hàng hóa lớn còn có làm nông nghiệp không chỉ để kiếm sống mà đối với một bộ phận còn là một cách sống. Bây giờ rất nhiều người đã ra thành phố không chịu nổi áp lực lại quay về, lại mua ruộng, lại thuê ruộng làm nông nghiệp, đó là cách sống chứ không hoàn toàn là kiếm sống. Sống chậm, gắn bó với thiên nhiên, trông những sản phẩm của mình làm ra, nấu một nồi cơm, hái một ít rau của mình làm ra mà ăn sướng hơn đi mua rất nhiều. Đó là văn hóa, là cách sống nông nghiệp. Cho nên có một bộ phận làm ở thành phố lại lựa chọn quay về làm nông nghiệp để kiếm sống nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ quay về làm nông nghiệp như một cách sống phù hợp với khả năng của mình. Một cái nhà ba gian hai chái, có giếng nước, vài ba mẫu ruộng (chứ không phải vài ba sào như hiện nay - PV), một cái ao nuôi cá, một cái vườn trồng cây, thả gà, rau quả tự trồng, còn thì đem bán ở chợ. Đừng tưởng xe hơi, nhà lầu mà đã sướng đâu? Chưa chắc đã sung sướng bằng anh nông dân có ruộng đất, có ao, có vườn, có sản xuất hàng hóa, bán được, có tiền xây nhà to, một số đã có ô tô, có giúp việc. Một phong cách sống gắn với nông nghiệp, với thiên nhiên, với người thân mà người ta chấp nhận phong cách sống dù mức sống thấp hơn so với thành thị. Phải nhìn như thế mới lý giải được tại sao đói nghèo mà vẫn khư khư giữ ruộng. Nông hộ hiện nay còn có nguồn không dễ nhìn thấy được là do đô thị, do công nghiệp mang lại. Con cái đi làm trên thành phố rồi gửi về cho bố mẹ ở quê tiền để thuê cày bừa, gặt hái, xay xát. Gạo ngon, cây trái ngon cái gì ngon thì bán ở chợ. Cho nên việc người ta giữ đất, giữ nông nghiệp còn có một lý do nữa là được cung cấp một “nguồn lực chìm”. Làm nông nghiệp bằng tiền của công nghiệp, bằng nguồn lực nhỏ của từng hộ chứ không phải nguồn lực lớn. Nhìn nhận sự tồn tại, níu giữ của nông hộ có lý do kinh tế, có lý do xã hội, có lý do thuộc về quan niệm sống, cách sống. Làm nông nghiệp để kiếm sống và làm nông nghiệp để có một cách sống phù hợp với từng tạng người. Cho nên ngày hôm nay vẫn còn tồn tại nông nghiệp hộ, ngày mai vẫn còn tồn tại nông nghiệp hộ, ngày kia vẫn còn tồn tại nông nghiệp hộ nhưng mà quy mô và công nghệ hiện đại, phương thức quản trị tiên tiến. Làm trang trại kiểu TH vẫn chỉ là một dạng hộ lớn. Sở hữu gắn với trực canh là một nguyên lý. Giao đất cho ai thì giao nhưng vẫn phải trực canh và theo cơ chế thị trường, không được dùng đất đai như một thứ địa tô để quản lý. Nếu nói nông nghiệp mà không nói đến nông dân sẽ không hiểu được vì sao ba sào ruộng bỏ hoang đó không bán mà lại chỉ cho thuê. Không bán ruộng đất cũng còn một lý do sâu xa nữa bởi đất nước mình có nhiều cuộc bể dâu. Những sự thay đổi đột ngột về cơ chế, chính sách, những bất trắc trong cuộc sống thì chạy đi đâu? Về quê dựa vào hai ba mẫu ruộng là yên tâm. Ruộng đất là sự dung thân. Cho nên phải hiểu nông dân, thông cảm với họ, đừng chê họ bảo thủ, thâm canh cố đế. Họ có nhiều phẩm chất tốt lắm! Sắp tới nông hộ ra sao? Trong thời kỳ công nghiệp hóa thì nông nghiệp cũng bước vào công nghiệp hóa (cơ giới hóa, hiện đại hóa, công nghệ cao) chứ không phải chỉ có công nghiệp hóa nói chung. Quan điểm của tôi là nông hộ luôn đồng hành cùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kể cả hội nhập thì nông hộ vẫn tồn tại. Nhưng nông hộ sẽ có nhiều loại chứ không phải chỉ một loại bình quân chủ nghĩa như trước đây (đất chia bình quân theo khẩu), có gần có xa, có xấu có tốt. Nông hộ sẽ có bước phát triển khác so với trước đây. Khuyến khích tích tụ ruộng đất nhưng phải tôn trọng quyền tài sản ruộng đất của nông dân. Tôi cho rằng nông hộ nhỏ vẫn còn phù hợp ở những nơi như miền núi, ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là cách làm nông nghiệp bền vững nhất ở đây, vừa hợp với môi trường sinh thái vừa hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Không thể đem cày máy ra mà san phẳng được. Công nghệ cao cũng rất cần cho miền núi nhưng phải thích nghi được với điều đó. Ở Nhật, nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP với tổng số hộ làm khoảng 3 triệu, chiếm 6,4% số hộ. Ở đó hộ nhỏ vẫn giữ, vẫn làm nông nghiệp công nghệ cao nhờ vào hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp. Hộ nông nghiệp của họ không phải chơi vơi một mình trong biển cả mà nằm trong một liên kết sản xuất bằng ba liên kết lớn: Thứ nhất là hộ nhỏ tự họ liên kết với nhau thành HTX. HTX tôn trọng sản xuất hộ và hỗ trợ bằng tất cả dịch vụ đầu vào, đầu ra đồng thời quảng bá thương hiệu. Anh cứ yêu mảnh ruộng của anh đi nhưng anh phải làm theo tôi, theo yêu cầu của thị trường. Hồi ấy khi làm Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú tôi đã sang Nhật nghiên cứu về chè, tôi tưởng họ làm bạt ngàn nhưng không phải. Vẫn là hộ nhỏ thôi nhưng đều sản xuất trong HTX, tất cả phải chấp hành quy trình kỹ thuật giống như thế nào, khoảng cách như thế nào, chăm bón như thế nào, làm ra sản phẩm giống nhau HTX sẽ đảm bảo tiêu thụ cho. Đảm bảo quyền sở hữu của nông dân là động lực lớn nhất của sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là hộ sản xuất vừa. Đó chính là hệ thống trang trại của Việt Nam hiện nay đang có mấy vạn trang trại được quyền sử dụng ruộng đất lâu dài. Họ cũng bắt đầu đi vào quản trị theo hướng doanh nghiệp và có nhiều nơi đã thuê chuyên gia, thuê kỹ sư, đã cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao, nhất là những trang trại quy mô lớn. Tôi chỉ tiếc một điều là chúng ta hô phát triển trang trại nhưng lại không hô được phần chính sách hỗ trợ nó như đất đai, vốn, khoa học công nghệ và thúc đẩy thị trường. Thứ ba là xin mời các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, gắn với thị trường vào đầu tư. Các doanh nghiệp nông nghiệp khác với doanh nghiệp công nghiệp, phải gắn với đặc điểm sinh lý của từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, phải gắn với thời tiết, lợi thế của từng vùng, phải gắn với sở hữu đất đai của nông dân. Doanh nghiệp có thể thuê lại đất của dân hoặc hợp đồng liên kết dài hạn. Hãy liên kết với nông dân để tiến hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến để họ kiếm sống được và sống được theo cách của mình. Các chuyên gia Nhật Bản từng bảo với tôi rằng ở nông thôn Việt Nam có hai điều lạ. Thứ nhất là tại sao người nông dân giỏi đến như thế mà lại rất sợ liên kết, sợ liên doanh. Chẳng qua theo tôi là bởi họ bị thất hứa nhiều quá. Thứ hai là đến Việt Nam trông thấy rừng mà không trông thấy cây. Cánh đồng lúa rất rộng, các vườn cà phê rất tuyệt vời nhưng hỏi ra có ai ở trong cánh đồng đó được diện tích lớn không, có thương hiệu lớn không? Không có. Vì sao? Đó là hậu quả của việc chúng ta giao đất hồi khoán hộ theo bình quân khẩu. Cứng nhắc như thế thì làm gì có hộ nông dân lớn? Cho đến bây giờ lại bắt đầu bỏ tiền ra để dồn điền đổi thửa, cho chuyển nhượng, cho thuê nhưng phải làm cho đúng quy luật quản trị trực canh, cho đúng quy luật sinh học, cho đúng quy luật sử dụng gắn với quyền tài sản ruộng đất của dân. Vậy ta có khôi phục nông nghiệp theo hướng đó. Đã có rồi, thứ nhất là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, có hàng trăm doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông nghiệp thì đó là hộ sản xuất lớn. Cùng với đó là các HTX, các trang trại và còn các nông hộ nhỏ nữa. Phải tìm cách để cho họ không chỉ sống được mà còn sống khá giả, tôn trọng những người không chỉ kiếm sống mà cả cách sống của họ nữa. Phải công nghiệp hóa nông nghiệp. Phải tạo ra hệ thống dịch vụ nông nghiệp phát triển bền vững từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến sản phẩm. Phải tổ chức HTX để mà liên kết các hộ lại, tạo ra sản xuất hàng hóa lớn. Phải có chính sách hỗ trợ cho các nông hộ nhỏ, nhất là đối với miền núi. Đó là đoạn trường tân thanh. Nông nghiệp là trụ đỡ, là vấn đề cơ bản của xã hội thì đúng cả. Nhưng nói nông nghiệp là một chủ thể phải có chính sách đầu tư, hỗ trợ trong quá trình công nghiệp hóa. Phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nông hộ sản xuất lớn, có liên kết, có liên doanh, có kết quả gắn trong chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Muốn tích tụ được phải công nhận đất đai là tài sản của nông dân và phải thương lượng trên cơ sở thỏa thuận giá thị trường. Tích tụ ruộng đất cần phải có nguyên tắc là quản lý trực canh và theo cơ chế thị trường chứ không được phát canh thu tô. DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (Ghi theo lời ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) Nguồn: NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay928
  • Tháng hiện tại41,287
  • Tổng lượt truy cập6,706,962
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây