Đoàn đã đến thăm mô hình trồng nấm bào ngư xám và nấm mèo của gia đình bà Bùi Thị Hạnh (Sinh năm 1986) - Hội viên nông dân Chi hội ấp 6, xã Tân Thành. Với cơ sở sản xuất rộng đến 4.000m2, mỗi năm trại nấm Chung Hạnh của gia đình bàcho năng suất khoảng 25 tấn nấm bào ngư tươi và 20 tấn nấm mèo khô. Nấm bào ngư tươi được tiêu thụ trực tiếptại địa bàn thành phố Đồng Xoài, riêng với nấm mèo khô sẽ được xuất khẩu sang Campuchia. Đồng thời, gia đình bà còn cung cấp định kỳ hàng chục ngàn giá thể nấm cho nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Việc kinh doanh trại nấm đã giúp gia đình bà thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trại nấm đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
Đoàn cũng đã đến thăm mô hình trồng nấm mối đen của hội viên Bùi Thị Hằng (Sinh năm 1989) -Chi hội nông dân ấp 6, xã Tân Thành. Từ năm 2019, gia đình bà Hằng đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng khép kín với diện tích hơn 250m² để trồng nấm mối đen. Cho đến nay, mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình với mức thu nhập hơn 60 triệu đồng/tháng.
Giới thiệu về mô hình của gia đình, bà Hằng cho biết: Đây là một mô hình hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động để cân đối nhiệt độ và phun sương, đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ở mức 26 - 28oC, thích hợp cho nấm mối đen sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng cao. Hiện tại, gia đình bà đã làm chủ hoàn toàn các công đoạn từ sản xuất phôi nấm đến khâu ủ meo, nuôi trồng nấm. Chu kỳ trồng nấm kéo dài trong khoảng thời gian 04 tháng là có thể cho thu hoạch nấm thành phẩm. Bà Hằng cũng cho biết thêm, hiện nay nhu cầu tiêu thụ nấm mối đen trên thị trường rất lớn, nguồn cung chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, từ đó bà cho rằng đây là một mô hình nông nghiệp đáng để đầu tư, nhân rộng.