Hội Nông dân tỉnh vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn
Thứ hai - 10/04/2017 08:34
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú với chất lượng ngày càng được nâng lên phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thức của hội viên nông dân về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tích cực.
Để tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, hằng năm, HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thị xã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho cán bộ, hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh còn tăng cường công tác vận động, quảng bá, liên kết, giám sát nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu dùng nông sản an toàn thực phẩm; xây dựng văn hóa “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”; xây dựng mô hình tổ, nhóm, tổ hợp tác nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. HND các cấp trong tỉnh chủ động, phối hợp, giám sát chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Riêng trong năm 2016, HND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch vận động và giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, HND đã phối hợp với ngành NN và PTNT, Công thương và các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các kiến thức cơ bản để sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của nông dân về sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm là bảo vệ sức khỏe, lợi ích cho bản thân và cộng đồng.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những năm tới, đặc biệt là năm 2017, HND các cấp trong tỉnh phấn đấu có 100% huyện, thị và cơ sở Hội phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hàng năm 100% các chi, tổ Hội phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Có 100 % hộ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và trên 60% các hộ đăng ký được công nhận. Có 100% các dự án, mô hình, tổ nhóm nông dân do Hội xây dựng, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và duy bền phát triển bền vững; phối hợp kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV theo quy định của pháp luật; giám sát các hộ nông dân trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, 100% số xã được công nhận NTM phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Mỗi huyện, thị và mỗi cơ sở Hội xây dựng hoặc phối hợp xây dựng được ít nhất một mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nông dân, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn. Phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp dạy nghề và tập huấn phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho nông dân sử dụng đúng quy định, kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và phân bón trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Phát động phong trào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Hằng năm tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký và ký cam kết thực hiện nội dung 3 không (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn). Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy sản an toàn; quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn. Duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình tổ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện về kỹ thuật, chuyên môn, huy động nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn; chủ động phối hợp, hỗ trợ chứng nhận các hộ nông dân, tổ, nhóm, hợp tác sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Phối hợp tổ chức các sự kiện, mít tinh tuyên truyền, hội chợ, bình chọn, quảng bá, tôn vinh nông dân có thành tích xuất sắc, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu chất lượng an toàn; hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chủ động xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết, hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã về khoa học kỹ thuật, giống, vốn, vật tư, phân bón, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác... để các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm theo đề nghị của các ngành chức năng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm của các hộ nông dân. Vận động nông dân tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Với việc phát huy truyền thống lao động sáng tạo của nông dân trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh./.
CTV Lê Anh