img1 img1 img1 img1 img1

Đề cương tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023

Thứ tư - 12/09/2018 07:39
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 20/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023; Kế hoạch số 162-KH/HNDT ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước về tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam; Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX được tổ chức trong 02 ngày (từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 17 tháng 8 năm 2018) tại hội trường tỉnh. Đại hội đã thành công tốt đẹp.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu sự phát triển của tổ chức Hội và giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới.
Để công tác tuyên truyền về kết quả Đại hội được sâu rộng và có sức lan tỏa đến các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân, đến các ngành và nhân dân trong tỉnh, đạt được mục đích, yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh biên soạn đề cương tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX. Nội dung đề cương tuyên truyền đề cập những nét chủ yếu của 5 nhiệm kỳ Đại hội; những thành tựu nổi bật của công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013-2018 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018-2023, cụ thể như sau:
          I. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC TỪ NGÀY TÁI LẬP TỈNH (01/01/1997) ĐẾN NAY
Thực hiện nghị quyết số 10 của QH khóa IX, tỉnh Bình Phước được tái lập từ ngày 01/01/1997 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Sông Bé. Thực hiện Quyết định số 705-QĐ/HND, ngày 21/12/1996 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc chỉ định Ban chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh Bình Phước. Ban chấp hành lâm thời gồm có 19 đồng chí ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời. Các phó Chủ tịch: Lê Khắc Nguyên, Trịnh Thị Nga.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân Việt Nam và của tổ chức Hội, từ năm 1998 đến nay Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức thành công 5 kỳ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh.
          Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ V(nhiệm kỳ 1998-2003)
          Đại hội được tổ chức từ ngày 25 tháng 04 đến ngày 26 tháng 04 năm 1998 tại Hội trường Công ty cao su Phú Riềng (huyện Phước Long cũ). Tham dự Đại hội có 150 đại biểu.
          Nghị quyết của Đại hội đã khẳng định: mục tiêu nhiệm vụ là “Tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tồ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
          Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 đồng chí và bầu 06 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyển Thắng, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Các đồng chí Phó Chủ tịch: là Lê Khắc Nguyên, Trịnh Thị Nga.
          Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2003- 2008)
          Đại hội diễn ra từ ngày 28 tháng 05 đến ngày 29 tháng 05 năm 2003 tại Thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Dự Đại hội có 195 đại biểu.
          Đại hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu đó là: Phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội nông dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh ở nông thôn……
          Đại hội đã bầu 34 đồng chí vào Ban Chấp hành và 07 Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Trần Văn Gôm, Tỉnh ủy viên được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Lê Khắc Nguyên và Trịnh Thị Nga
          Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008- 2013)
          Đại hội diễn ra từ ngày 13 tháng 05 đến ngày 14 tháng 05 năm 2008 tại hội trường tỉnh Bình Phước
          Tham dự Đại hội có 177 đại biểu. Đại hội lần này là Đại hội của tinh thần “ Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, đổi mới”; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
          Đại hội đã bầu 29 Ủy viên Ban Chấp hành, 8 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Trịnh Thị Nga, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Lê Khắc Nguyên và Nguyễn Văn Chơ.
          Trong năm 2009 Hội Nông dân Tỉnh Bình Phước vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng nhì.
          Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2013-2018)
          Đại hội diễn ra từ ngày 09 tháng 04 đến ngày 10 tháng 04 năm 2013 tại hội trường tỉnh Bình Phước
          Tham dự Đại hội có 219 đại biểu. Đại hội lần này là Đại hội của tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển bền vững”
          Đại hội đã bầu 36 Ủy viên Ban Chấp hành, 13 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Lê Khắc Nguyên, Nguyễn Văn Chơ và Phạm Kim Trọng.
          Từ tháng 01/2016 đồng chí Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên được Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ và Chức danh Chủ tịch Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018 thay đồng chí Nguyễn Thị Kim Nga nghĩ hưu.
          Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX ( nhiệm kỳ 2018-2023)
          Đại hội diễn ra từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 17 tháng 8 năm 2018 tại Hội trường tỉnh Bình Phước
          Tham dự Đại hội có 192 đại biểu. Đại hội lần này là Đại hội của tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”
          Đại hội đã bầu 31 Ủy viên Ban Chấp hành, 09 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên tái đắc cử, được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Phạm Kim Trọng và Nguyễn Văn Chơ.
          Từ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ V đến lần thứ IX, giai cấp Nông dân trong tỉnh luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhất là trong giai đoạn hiện nay thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Vai trò, vị trí của giai cấp nông dân được thể hiện rất rõ là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh xác định chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển” do đó nhiệm vụ, vai trò của Hội ngày càng trọng đại hơn.
Từ khi tái lập tỉnh Bình Phước đến nay, Hội Nông dân tỉnh không ngừng phát triển, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn trong quá trình đổi mới của đất nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân; tăng cường liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
          II. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN NHIỆM KỲ VIII (2013- 2018)
1. Công tác tuyên truyền của Hội được đổi mới góp phần kịp thời phổ biến, giải thích cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.Thể hiện qua nhiều hình thức như: Đưa các nội dung tuyên truyền trên Website, Fanpage của hội ; Tuyên truyền thông qua các buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật; trong sinh hoạt các Câu lạc bộ nông dân; nâng cao chất lượng Bản tin Nông dân Bình Phước ; Tổ chức hội thi kiến thức nhà nông từ cấp cơ sở lên cấp tỉnh ; Tổ chức Lễ mitting tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn với chủ đề “Nông dân Bình Phước nói không với thực phẩm bẩn” v.v… Kết quả thông qua các hình thức tuyên truyền đã tổ chức 45.607 buổi cho hơn 2,1 triệu lượt hội viên nông dân; phát hành 60.000 tờ tin, đặc san của tỉnh hội..
       2. Công tác củng cố tổ chức Hội được đặt biệt quan tâm, chất lượng hội viên ngày càng nâng lên thể hiện qua các hoạt động như: Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phân công các đồng chí thường vụ phụ trách huyện, thị cùng tham gia sinh hoạt với chi hội để nắm bắt khó khăn của nông dân trong sản xuất và những tồn tại vướng mắc trong công tác hội và phong trào nông dân để kiến nghị, tìm giải pháp tháo gở kịp thời. Thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. Bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, đã thành lập được 23 chi hội, 98 tổ hội nghề nghiệp với tổng số 1.904 hội viên tham gia hoạt động. Công tác phát triển và nâng cao chất lượng Hội viên ngày càng được nâng lên, trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 35.737 hội viên, tính cuối đến cuối nhiệm kỳ nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 88.120 hội viên, tăng 5.413 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 15.760 hội viên nòng cốt, 4.651 hội viên là đảng viên,
       3. Trình độ năng lực cán bộ hội các cấp ngày càng được nâng lên, thể hiện sự cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động: Số cán bộ Hội cấp tỉnh đạt trình độ cao cấp chính trị 15 đồng chí ( tăng 05 đc so với đầu nhiệm kỳ), đạt trình độ đại học, cử nhân 20 đồng chí ( tăng 06 đc so với đầu nhiệm kỳ) trên đại học 03 đồng chí ( tăng 02 đc so với đầu nhiệm kỳ). Cấp huyện, thị: đạt trình độ cao cấp chính trị 19 đồng chí ( tăng 07 đc so với đầu nhiệm kỳ), đạt trình độ đại học, cử nhân 47 đồng chí ( tăng 47 đc so với đầu nhiệm kỳ) Cấp cơ sở: đạt trình độ cao cấp chính trị 42 đồng chí ( tăng 19 đc so với đầu nhiệm kỳ), đạt trình độ đại học, cử nhân 68 đồng chí ( tăng 23 đc so với đầu nhiệm kỳ). Ngoài ra Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức 01 lớp Trung cấp ngành công tác xã hội, chuyên ngành công tác Hội Nông dân cho 62 cán bộ nguồn Hội các cấp, hàng năm đào tạo 100% cán bộ hội từ cấp cơ sở, chi, tổ về nghiệp vụ hội.
       4. Công tác Thi đua- khen thưởng của Hội tiếp tục được đổi mới, đã động viên, khích lệ kịp thời đối với các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân: Hội các cấp tích cực phát động các phong thi đua yêu nước trong nông dân, sơ tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Kết quả trong nhiệm kỳ, tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh được các hình thức khen thưởng như: 01 Huân chương lao động hạng nhất, 01 Huân chương lao động hạng nhì, 05 Huân chương lao động hạng ba, 01 cờ thi đua của Chính phủ, 01 cờ thi đua của Trung ương Hội, 03 cờ thi đua của UBND tỉnh, 28 bằng khen của Chính phủ, 534 kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”, 170 bằng khen của Trung ương Hội, 423 bằng khen của UBND tỉnh và gần 10.000 bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và Hội Nông dân các cấp.
       5. Phong trào Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi , đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội phát triển mạnh mẽ có sức lan tỏa trên  nhiều lĩnh vực: Phong trào đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến và dịch vụ nông nghiệp, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo động lực khuyến khích, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Hằng năm, đã thu hút bình quân 50.000 hộ hội viên đăng ký tham gia, trong đó có bình quân 27.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có 129 hộ được công nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp TW. Phong trào đã huy động được nguồn lực trong xã hội để giúp đỡ cho 3.244 hộ hội viên thoát nghèo, đạt 130% so với chỉ tiêu Nghị quyết cả nhiệm kỳ, giảm tỷ lệ hội viên nghèo xuống còn 3,18%.
       6. Vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên nông dân trong phong trào nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được nâng cao: Trong nhiệm kỳ các cấp hội vận động Hội viên nông dân hiến đất làm mới và tu sửa 1.151 km đường nông thôn, 268 km kênh mương nội đồng, 473 cầu cống, 23 nhà văn hóa thôn, 670 km đường điện chiếu sáng quy ra tiền trên 100 tỷ đồng; Xây dựng được 240 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, 63 tuyến đường nông dân tự quản “xanh - sạch - đẹp”; Hàng năm có 100% hộ hội viên đăng ký xây dựng và bình quân 98,5% hộ hội viên đạt gia đình văn hóa, đạt 100,5% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra . Vận động  xây dựng 206 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở.
       7. Hội phối hợp thực hiện tốt phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội: Hội chủ động ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng;  Ban An toàn giao thông; Công an tỉnh và một số sở ngành liên quan khác... qua đó đã tổ chức 5.646 buổi tập huấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục phát luật, trợ giúp pháp lý cho 367.183 lượt người; tham gia hòa giải thành 2180 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nông dân. Ngoài ra các cấp hội tích cực vận động hội viên tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực tham gia các tổ tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở thôn, ấp; tổ chức cho hội viên ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội.
       8. Đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, thể hiện qua các hoạt động: Kết quả trong nhiệm kỳ các cấp Hội trong tỉnh phối hợp tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 16.739 hội viên, trong đó trực tiếp đào tạo 1.976 hội viên; giới thiệu cho 81,3% hội viên có việc sau học nghề; Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 25.767 tấn phân bón, 662 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 32.722 sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, 341 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm không tính lãi; Phối hợp tổ chức được 3.820 buổi tập huấn, chuyển giao KHKT cho 198.640 lượt nông dân; thành lập 17 câu lạc bộ Nông dân với internet với 425 thành viên tham gia gắn với hoạt động của các Tổ hợp tác, chi Hội nghề. Hội các cấp tích cực trong công tác vận động tăng trưởng và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vốn NHCSXH, vốn NHNN&PTNT hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đã giải ngân cho 337 dự án, với 3.286 hộ tham gia, xây dựng được 421 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Hàng năm,  Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội chợ trái cây và trưng bày hàng nông sản hỗ trợ cho hơn 500 lượt nông dân trong tỉnh trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thông qua hoạt động này bước đầu nhiều sản phẩm của nông dân đã được kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.
       9. Hội Nông dân các cấp thể hiện tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh: Các cấp Hội phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua những hoạt động cụ thể như: Tổ chức 1.720 cuộc với trên 71.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020; Bồi dưỡng, giới thiệu 737 hội viên ưu tú được kết nạp Đảng, đến nay có 4.651 hội viên là đảng viên.
        10. Công tác tham mưu, chỉ đạo và điều hành của Ban Thường vụ Hội Nông dân có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến công tác hội và phong trào nông dân, thể hiện các hoạt động nổi bật như: Xây dựng Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”. Qua việc triển khai thực hiện Đề án  làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị phối hợp, tạo điều kiện cho Hội Nông dân triển khai thực hiện hiệu quả Đề án . Tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, các huyện, thị ủy hàng năm tổ chức gặp mặt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời đi thăm hỏi động viên, nắm bắt những khó khăn của nông dân trong sản xuất nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ nông dân, tạo được sự phấn khởi trong nông dân, qua đó an tâm trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tham mưu cho cho UBND tỉnh  ban hành Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 về quy định đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh nhằm khích lệ kịp thời những thành tích của hộ nông dân đạt được trong phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi và tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từ đó nhiều hộ nông dân đã được chính phủ và các cấp các ngành khen thưởng.
          III. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN NHIỆM KỲ IX (2018-2023).
       Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, đề ra phương hướng nhiệm kỳ IX (2018 – 2023) nhằm “Tiếp tục xây dựng Hội Nông dân vững mạnh, thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng tỉnh Bình Phước giàu mạnh”
          1. MỤC TIÊU
Xây dựng Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của hội, tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt hội, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
          2. CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN TRONG NHIỆM KỲ TỚI
          - Hằng năm 100% hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội.
          - Phát triển hội viên mới: trên 80% số hộ nông nghiệp có hội viên. Trung bình phát triển mới 6.500 hội viên/năm.
          - Hằng năm, có 100% huyện, thị Hội đạt vững mạnh, trên 90% cơ sở Hội đạt khá và vững mạnh, không có cơ sở Hội yếu kém.
          - Có 90% cán bộ chủ chốt ở cơ sở Hội có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ cơ sở Hội và 90% cán bộ chi, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận và nghiệp vụ công tác Hội.
          - 100% chi Hội có Quỹ Hội, bình quân từ 55.000 đồng/hội viên/năm.
          - Hằng năm có từ 60% số hộ hội viên nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
          - Tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân 10%/năm; 100% Hội Nông dân cấp huyện có Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 1 tỷ đồng/đơn vị; 50% Hội Nông dân cấp xã có Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 100 triệu đồng/đơn vị.
          - Hằng năm vận động 100% số hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu và có từ 98% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
          - 100% Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả.
          - Hằng năm, trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho 2.000 lượt hội viên, trong đó tỷ lệ có việc làm đạt 80% trở lên.
          - 100% Hội Nông dân cấp xã hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng mới ít nhất 01 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
          - 100% Hội Nông dân cấp xã xây dựng mới được ít nhất 01 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
          - Có 100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế và 100% Hội Nông dân các cấp làm tốt công tác vận động nông dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
          3. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
          3.1. Xây dựng tổ chức hội và giai cấp cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt.
          a. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng
          Tập trung đổi mới đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng,  Nhà nước và  của Hội Nông dân Việt Nam; nắm bắt kịp thời về tình hình khó khăn, bức xúc của nông dân trong sản xuất để phản ánh, đề xuất nhằm tháo gỡ cho nông dân; tiếp tục nâng cao hoạt động Trang thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh; các hình thức tuyên truyền  khác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới;
          b. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội
          Tiếp tục củng cố tổ chức Hội các cấp mạnh vững mạnh về mọi mặt, đẩy mạnh công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành các cấp Hội; Tổng kết Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”.
          c. Công tác kiểm tra, giám sát
          Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các vi phạm phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội đồng thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc của các cấp Hội và hội viên.
          d. Công tác thi đua, khen thưởng
          Đổi mới và nâng cao chất lượng thi đua khen thưởng đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, đúng quy định. Chú trọng khen thưởng đối với cơ sở, những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, công tác, cán bộ chi Hội, tổ Hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc…
          đ. Xây dựng người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Hội viên nông dân về các giá trị văn hóa, phẩm chất đạo đức, truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân Việt Nam, gắn với triển khai Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao;nâng cao năng lực áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, hội nhập cho nông dân; phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng dân cư, xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc.
          3.2. Tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
          a. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
          Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào có bước phát triển mới về chất, Hội làm tốt vai trò là đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tuyên truyền nhân rộng. Tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong việc vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hội viên nông dân nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững; kịp thời nhân rộng, tuyên dương khen thưởng, tuyên truyền những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào.
          b. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất
          Đẩy mạnh và phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân; Chủ động thực hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết với các ngân hàng; các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ  vốn, máy thiết bị phục vụ nông nghiệp và các loại vật tư nông nghiệp... cho nông dân phát triển sản xuất; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2023”; Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp cho cán bộ, hội viên nông dân, góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn” đã được UBND tỉnh phê duyệt; Đổi mới công tác dạy nghề cho dân phù hợp với điều kiện trình độ sản xuất, gắn chặt với yếu tố thị trường; Hỗ trợ nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức như: xây dựng thương hiệu, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn góc, quảng bá giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ; nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; Tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý; nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin.
          Tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân để  phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, cấp có thẩm kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đồng thời tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách với Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đời sống nông dân.
          c. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các mô hình, hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp
          Bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt trong công tác vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng, phát huy mô hình kinh tế tập thể,  Chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân để  nắm chắc, hiểu đúng pháp luật để tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất.
          d. Tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường
          Tổ chức Hội các cấp tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động: Vận động nông dân tham gia việc qui hoạch, xác định các công trình, hạng mục đầu tư, hiến đất, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, tiền của tham gia xây dựng nông thôn mới; đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng; ; các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nông dân nhằm cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nông dân. Tổng kết phát hiện những sáng kiến, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả, các gương điển hình của các tập thể, cá nhân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới để phổ biến, nhân rộng.
          3.3. Tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
          Tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng thông qua các hoạt động như: Tổ chức cho cán bộ, hội viên và nông dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các hoạt động của Đảng, Chính quyền các cấp; bồi dưỡng, giới thiệu những cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng; hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động, hoạt động ở thôn, ấp, khu phố; Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ Hội các cấp nhất là cấp cơ sở; Tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở nông thôn; xây dựng, phát triển hoạt động của các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”;
          3.4. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh
          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt Luật nghĩa vụ quân sự và các chính sách "hậu phương quân đội", Tham gia các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; xây dựng các “điểm sáng vùng biên”, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm”; tích cực tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.
          3.5. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
          Tiếp tục truyên truyền thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/HNDTW ngày 14/10/2015 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, phối hợp của các cấp Hội đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ, hội viên, nông dân;Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; tranh thủ vận động viện trợ, năng cao năng lực quản lý và sử dụng viện trợ.
[Nguồn: Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Bình Phước (1930 - 2010);kỷ yếu Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008-2013); Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá VIII (nhiệm kỳ 2013- 2018) tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018-2023)]
 

Tác giả bài viết: Ban KInh tế - Xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,130
  • Tháng hiện tại230,227
  • Tổng lượt truy cập6,663,806
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây