Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, vào ngày 26/10/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết như sau:
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Trong 15 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu của Nghị quyết, đến nay đã có 04 chỉ tiêu vượt; 10 chỉ tiêu đúng tiến độ, có khả năng đạt và vượt; 01 chỉ tiêu khó đạt.
1. Về lĩnh vực kinh tế: Tiếp tục phát triển, quy mô, chất lượng nền kinh tế được nâng lên, tốc độ tăng trưởng bình quân 03 năm đạt khá (6,84%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản (đến nay đã đạt: nông - lâm - thủy sản 26,15%; công nghiệp - xây dựng 38,09%; thương mại - dịch vụ 35,76%). Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2018 ước đạt 7.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết hơn 2.000 tỷ đồng. Nợ công của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Chi ngân sách hằng năm của tỉnh được thực hiện theo hướng giảm chi thường xuyên, tiết kiệm để tăng chi đầu tư phát triển (tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2016 chiếm 17,6%; 2017 chiếm 21,2%; 2018 chiếm 33,6%).
- Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn
+ Về nông nghiệp, đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh cây trồng lâu năm và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Trình độ sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng. Có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ vào nông nghiệp.
Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và bước đầu có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chuyển giao được 58 mô hình sản xuất nông nghiệp; hình thành được một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác gắn với chuỗi sản xuất, chế biến được đổi mới, hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu nông sản được chú trọng, hình thành các thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước...
+ Nông dân: Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông dân với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác được mở rộng, gắn sản xuất với tiêu thụ, ổn định giá cả, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của nông dân.
+ Nông thôn: Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2018, đã xây dựng được 2.779 km đường giao thông nông thôn. Ước đến cuối năm 2018, TX. Đồng Xoài, Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới; 36/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 39,1% (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 50%).
- Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị, nhà ở xã hội, phấn đấu đưa thị xã Đồng Xoài lên thành phố vào cuối năm 2018; xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức quảng bá chính sách thu hút đầu tư.
- Lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ: Đã quy hoạch và mời gọi được các nhà đầu tư lớn chuẩn bị xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, dịch vụ biên mậu... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân ba năm ước thực hiện là 16,7%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 2 tỷ 240 triệu USD (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 2 tỷ USD), góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn. Tập trung xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, Khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, khu Quần thể Văn hóa - Cứu sinh núi Bà Rá. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh thu hút hơn 1,1 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu khoảng 1.027 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động của ngân hàng đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh. Ước đến cuối năm 2018, tổng dư nợ cho vay đạt trên 63.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chỉ chiếm 0,64%.
- Lĩnh vực đầu tư, phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị:
+ Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2018 ước huy động được trên 56.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 7.944 tỷ đồng (vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm 21%; ngoài nhà nước chiếm 70,1%; vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8,9% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
+ Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Đã triển khai xây dựng phương án cấp điện cho khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, Khu công nghiệp - Dân cư Becamex Bình Phước; xây dựng đường điện vào nhà máy xi măng Minh Tâm; điều chỉnh dự án thủy điện Đức Thành trên sông Đồng Nai; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu lập báo cáo khả thi dự án điện mặt trời. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2018, đã phát triển được 507 km đường dây trung thế, 585 km đường dây hạ thế. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,7%. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án BOT, BT. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xây dựng được trên 4.600 km đường, trong đó quốc lộ 231 km, đường tỉnh 496 km, đường huyện 540 km… Công tác xã hội hóa y tế ngày càng được quan tâm, đã tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân. Cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt, các khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Tập trung xây dựng và chỉnh trang đô thị Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long; xây dựng quy hoạch các khu đô thị mới, như: Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài; khu đô thị mới công viên trung tâm Đồng Xoài; khu đô thị thương mại - dịch vụ Tiến Thành. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh ước đạt 26% (Nghị quyết đến năm 2020 là 32%).
+ Các dự án trọng điểm của tỉnh được nỗ lực triển khai thực hiện. Nghị quyết đề ra 11 dự án trọng điểm, trong quá trình thực hiện, do yêu cầu thực tiễn, tỉnh đã điều chỉnh, không thực hiện 03 dự án, bổ sung 04 dự án mới (nâng tổng số dự án trọng điểm lên 12 dự án). Đến nay đã có 01 dự án hoàn thành, 04 dự án hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng, 07 dự án đang triển khai thực hiện.
- Về phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể: Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đến tháng 6/2018, thu hút đầu tư trong nước được 413 dự án, tổng số vốn đăng ký là 22.121 tỷ đồng, bằng 217% về số dự án và 136% về vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 62 dự án với tổng vốn đăng ký là 326 triệu USD, bằng 122% về số dự án và 72,6% về số vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Có 2.103 doanh nghiệp được thành lập mới, so với nhiệm kỳ trước tăng 62% về số doanh nghiệp. Tỉnh có 183 dự án FDI, với số vốn đăng ký là 1 tỷ 692 ngàn USD; có 6.340 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 52.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 117 hợp tác xã, doanh thu bình quân 6,3 tỷ đồng/HTX. Đã thực hiện tái cơ cấu 4/5 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.
2. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đầu tư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Mạng lưới bưu chính, viễn thông ngày càng hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Thể dục thể thao có nhiều tiến bộ; thông tin, truyền thông, báo chí từng bước đổi mới về nội dung, hình thức.
- Quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng, hệ thống trường lớp học phát triển rộng khắp và hợp lý. Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng lên; giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Tiếp tục củng cố duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Có 11/11 huyện, thị xã và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 23/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2 và 88/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3; duy trì 111/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 9/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm, đạt kết quả tốt trong các cuộc thi ở khu vực và quốc tế. Năm 2018, có em Nguyễn Văn Thành Lợi, học sinh trường THPT chuyên Quang Trung đạt Huy chương Vàng môn Vật lý trong kỳ thi Olympic châu Á và Huy chương Đồng Olympic quốc tế.
- Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đặc biệt quan tâm. Nhiều chỉ tiêu về y tế đã đạt và vượt so với Nghị quyết. Đến cuối năm 2018 số bác sỹ/vạn dân đạt 7,8 bác sỹ (nghị quyết đến năm 2020 là 8,5 bác sỹ trên vạn dân). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 13,5%, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 80%). Công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật được tăng cường đầu tư; chú trọng nâng cao y đức, phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành.
- Chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội… đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
3. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại
- Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh biên giới được chú trọng, tăng cường. Bình Phước là đơn vị đầu tiên của Quân khu 7 hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc, bao gồm 28 mốc chính và 173 mốc phụ; xây dựng được 184 km đường tuần tra biên giới.
- Hoạt động đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế được chú trọng, đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi huy động nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế của tỉnh. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và các tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển tốt đẹp.
4. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
- Công tác chính trị tư tưởng: Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực phòng chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời theo dõi, nắm chắc tình hình và định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả.
- Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát triển đảng viên mới. Hàng năm, có 97% tổ chức cơ sở đảng và 92,7% đảng viên đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW. Công tác cán bộ đảm bảo dân chủ, công khai. Chính sách cán bộ được quan tâm. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ thực hiện đúng quy định.
- Công tác kiểm tra, giám sát; phòng chống, tham nhũng: Tổ chức giám sát chuyên đề 1.100 lượt tổ chức đảng và 1.504 đảng viên; kiểm tra chấp hành 1.539 lượt tổ chức đảng và 2.569 đảng viên; thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 382 đảng viên. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng tồn đọng phức tạp, kéo dài. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Bình Phước nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao về kết quả phòng chống tham nhũng năm 2017.
- Công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể: Hệ thống dân vận, MTTQ, đoàn thể các cấp tiếp tục bám sát cơ sở, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; đã vận động được gần 83 tỷ đồng, xây dựng 1.707 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Bước đầu thực hiện tốt Quy định của Tỉnh ủy về hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân.
- Công tác xây dựng chính quyền: Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 đạt 37/60 điểm, trong nhóm trung bình cao của cả nước. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách thủ tục hành chính đi vào nề nếp. Hoạt động của Trung tâm Hành chính công mang lại hiệu quả tích cực, từ khi thành lập đến nay đã tiếp nhận và giải quyết trên 86.000 hồ sơ, tỷ lệ trễ hẹn thấp (0,6%).
II. KHUYẾT ĐIỂM, YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN, BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Khuyết điểm, yếu kém
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu 7,5%. Các chương trình kinh tế trọng tâm thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn để xảy ra một số vụ vi phạm. Thiếu nguồn lực để thực hiện cơ chế ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp. Ngành du lịch chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
- Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm chậm. Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thống nhất.
- Chỉ số PCI năm 2017 thấp. Số doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ, giải thể; số hợp tác xã hoạt động không hiệu quả còn nhiều. Công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, xử lý ô nhiễm chưa triệt để.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý, chất lượng giảng dạy chưa cao; đào tạo nghề chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế không đều, thiếu chuyên khoa sâu. Cơ sở vật chất văn hóa - thể thao thiếu đồng bộ. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
- Giải quyết một số vụ việc khiếu nại kéo dài liên quan đến đất đai chưa triệt để. Vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số nơi còn mang tính hình thức. Việc rà soát, xét duyệt quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện chậm so với kế hoạch. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức sinh hoạt đảng một số nơi còn hình thức. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) chưa thật sự tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiểm tra, giám sát chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm.
- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng quy hoạch dự án còn gặp nhiều khó khăn. Phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa có nhiều sáng tạo. Tỷ lệ kết nạp hội viên hằng năm ở Đoàn thanh niên và Hội nông dân chưa đạt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
2. Nguyên nhân
2.1. Nguyên nhân ưu điểm
- Tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; chấp hành nghiêm quy chế làm việc và các nguyên tắc của Đảng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hệ thống chính trị và nhân dân.
- Có sự đổi mới về tư duy, phương thức lãnh đạo, quyết tâm chính trị cao của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
- Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý nghiêm các sai phạm. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò Mặt trận, đoàn thể các cấp trong vận động nhân dân, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
- Về khách quan: Sản xuất nông nghiệp gặp bất lợi, tốc độ gia tăng bình quân của ngành nông lâm và thủy sản chỉ đạt 1,74% nên ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung. Giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu, chậm hồi phục. Nhu cầu về vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn trong khi khả năng cân đối ngân sách của địa phương chưa đáp ứng; các chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh bị cắt giảm 43,4% do siết chặt trần nợ công quốc gia.
- Về chủ quan:
+ Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa coi trọng công tác chính trị tư tưởng; việc cụ thể hoá, triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy còn chung chung, thiếu sáng tạo. Khả năng nắm bắt, xử lý tình huống phát sinh của lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa linh hoạt, kịp thời.
+ Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu một số cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là cơ sở còn hạn chế. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác tham mưu còn lúng túng, chưa kịp thời. Việc thực hiện các kết luận cấp trên, thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc.
- Phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Lãnh đạo, điều hành chưa năng động, sáng tạo; cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu. Tinh thần trách nhiệm một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
+ Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số nơi và một số ngành, lĩnh vực chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; chưa thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát, tham gia của nhân dân.
3. Một số bài học kinh nghiệm bước đầu
Thứ nhất, Chấp hành nghiêm quy chế làm việc, vì lợi ích chung trong công tác lãnh đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu; chỉ đạo từng việc làm cụ thể không chung chung, dàn trải.
Thứ hai, Chú trọng khâu tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Kết hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Thứ ba, Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thật sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin để nâng cao hiệu quả phục vụ.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
1. Dự báo tình hình
1.1. Thuận lợi
Bình Phước có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển. Sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị trong toàn Đảng bộ tỉnh trong thực hiện Đề án 999, xây dựng chính quyền điện tử và việc triển khai hoàn thành một số dự án trọng điểm... sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
1.2. Khó khăn, thách thức
Tình hình kinh tế còn nhiều yếu tố bất lợi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, vừa là cơ hội nhưng cũng là khó khăn, thách thức đối với sự phát triển. Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách chống phá trên nhiều mặt. Tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn hạn chế; quy mô, công nghệ sản xuất của ngành công nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức. Tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hoá" trong nội bộ là nguy cơ gây mất an ninh chính trị. Một số hạn chế trong hệ thống chính trị chậm được khắc phục sẽ tạo ra lực cản trong phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu
2.1. Lĩnh vực kinh tế
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng 7,5%. Xây dựng chính sách để huy động vốn đầu tư toàn xã hội; tăng cường đầu tư công từ các nguồn tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, vốn hỗ trợ của Trung ương... Tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách.
Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, thị xã Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, Đồng Phú; các Khu du lịch Tà Thiết; Bà Rá, trảng cỏ Bù Lạch để tạo nền tảng phát triển kinh tế.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn
- Nông nghiệp:
+ Tập trung đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đề án cải tạo vườn điều, gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phát triển quy mô lớn, hiện đại chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với chế biến sâu và xuất khẩu.
+ Đẩy mạnh việc thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng được thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh.
+ Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng việc liên kết giữa “4 nhà”, hình thành mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
- Nông dân: Chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và thành lập mới doanh nghiệp trong nông nghiệp.
- Xây dựng nông thôn mới: Huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng chương trình nông thôn mới; tăng tính bền vững của các tiêu chí đã đạt được; làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù. Coi trọng xây dựng, phát huy các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế ở khu vực nông thôn.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, phát triển đô thị
- Tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu; tăng cường kiểm soát, xử lý tốt vấn đề môi trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đạt chất lượng, hiệu quả. Rà soát tính pháp lý của từng dự án để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
- Tập trung xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản lấp đầy các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Dự án năng lượng điện mặt trời; triển khai xây dựng quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp 5.000 ha ở Đồng Phú.
- Xây dựng quy hoạch phát triển đô thị và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng. Tiếp tục phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị và nhà ở xã hội; chỉnh trang đô thị.
Quản lý, điều hành ngân sách: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 14/4/2017 của Tỉnh ủy. Phấn đấu mỗi năm tăng thu 1.000 tỷ đồng, đến hết năm 2020 ngân sách tỉnh tự cân đối được thu, chi thường xuyên.
2.2. Lĩnh vực văn hóa – xã hội
- Xây dựng mạng lưới trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; không để dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư, thu hút đầu tư, xây dựng một số cơ sở giáo dục, y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực du lịch; kết hợp du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
2.3. Lĩnh vực quốc phòng – an ninh, đối ngoại
- Tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tội phạm, giảm tai nạn giao thông. Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Hàng năm đạt 100% chỉ tiêu thanh niên nhập ngũ.
- Xây dựng chính sách, đảm bảo an ninh kinh tế, môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, đúng pháp luật. Tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại.
2.4. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình Đề án 999; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đổi mới công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên. Thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ. Tăng cường giám sát việc khắc phục những khuyết điểm, vi phạm sau kết luận kiểm tra.
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tổ chức hiệu quả hoạt động giám sát của đảng, các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
- Đổi mới công tác dân vận, tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương.
- Tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề theo kết luận kiểm tra của Trung ương; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài; xử lý và kịp thời phản hồi thông tin liên quan đến những phản ánh của nhân dân.
- Đề cao tinh thần trách nhiệm và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
2.5. Cải cách hành chính
- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính. Thường xuyên rà soát nội dung cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tiếp cận đất đai, khoáng sản...
- Đến năm 2020 cơ bản xây dựng xong hạ tầng công nghệ thông tin và vận hành thông suốt chính quyền điện tử. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư, không để tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
- Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng đô thị thông minh từng phần. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định, thủ tục trong lĩnh vực điều hành, quản lý kinh tế, cải thiện rõ rệt chỉ số PCI. Triển khai đấu giá, đấu thầu qua mạng./.