img1 img1 img1 img1 img1

Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách trên mảnh đất Lộc Ninh anh hùng

Thứ sáu - 12/08/2022 15:05
Ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh thành lập theo quyết định số 247/QĐ - HĐQT ngày 10/05/2003 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH với nhiệm vụ triển khai thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện.
Chặng đường thoát nghèo trên quê hương Lộc Ninh có dấu ấn của NHCSXH
Chặng đường thoát nghèo trên quê hương Lộc Ninh có dấu ấn của NHCSXH
Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn vất vả. Bà Phạm Thị Mai Hoa, Nguyên Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh từ ngày đầu thành lập đến năm 2015 nhớ lại “khi thành lập dư nợ chỉ có hơn 23 tỷ và ba chương trình tín dụng bàn giao từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Lộc Ninh và Kho bạc Nhà nước huyện, vừa phải tổ chức triển khai giải ngân kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Khi đó NHCSXH huyện ban đầu chỉ có 3 cán bộ. Song, được sự chỉ đạo và quan tâm của NHCSXH tỉnh Bình Phước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lộc Ninh, sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, đoàn thể có liên quan, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, NHCSXH huyện ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả.”
Đặc biệt, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” thực hiện cho vay, thu nợ, thu tiết kiệm dân cư tại xã, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nhà, NHCSXH huyện đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch với 16/16 điểm giao dịch tại UBND các xã, thị trấn.
Đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo riêng có của NHCSXH, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn NHCSXH ngoài được hưởng ưu đãi về lãi suất, còn được hưởng ưu đãi về phục vụ.

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện đạt 439.292 triệu đồng, tăng gấp 19 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động, với 17 chương trình tín dụng đang triển khai. Gần 20 năm qua, NHCSXH huyện phối hợp với Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ quá hạn tồn đọng, đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được nâng lên đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2003 là 10,4% xuống đến cuối năm 2021 xuống còn 0,2% số hộ trên điạ bàn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời giúp cho 14.941 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 13.935 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 7.124 lao động, giúp cho 7.878 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 28.812 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 671 ngôi nhà cho hộ nghèo... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Một số hộ phát triển kinh tế điển hình từ vốn của NHCSXH huyện như: Hộ ông Ngô Văn Thủy ấp vẻ vang, xã Lộc Phú đã vay các chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền 131 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên gia đình đã sử dụng để chi phí cho con ăn học đại học, xây dựng và cải tạo, nâng cấp sử dụng công trình nước sạch và công trình vệ sinh, tạo vệc làm, mua máy móc phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình đã có nhà cửa khang trang và con cái đã ổn định việc làm. Hộ gia đình chị Lâm Thị Svây ấp Việt Tân, xã Lộc Quang vay các chương trình tín dụng chính sách số tiền 170 triệu, nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả đã đem lại cho chị nguồn thu nhập ổn định hàng tháng là 20 triệu đồng đủ để nuôi con ăn học và trang trải được thêm nhiều chi phí trong gia đình.
Bà Phan Thị Tầm, Giám đốc NHCSXH huyện chia sẻ: “Đạt kết quả trên, thời gian qua, NHCSXH huyện luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH tỉnh Bình Phước, Huyện ủy, UBND huyện, chính quyền các cấp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp NHCSXH huyện hoạt động ngày càng hiệu quả, đồng thời có sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ NHCSXH huyện và sự phối hợp của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chủ tịch UBND xã, thị trấn trong toàn huyện,…”.
Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Hồ Quang Khánh cho biết: “Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH huyện, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể của huyện tổ chức quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống.”
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện cùng huyện nhà xây dựng thành công nông thôn mới theo lộ trình, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, NHCSXH huyện Lộc Ninh tiếp tục là địa chỉ tin cậy và điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh.
 

Tác giả bài viết: Đức Phong - HNSC Lộc Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Hôm nay551
  • Tháng hiện tại228,648
  • Tổng lượt truy cập6,662,227
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây