img1 img1 img1 img1 img1

Tăng thu nhập cho người lao động từ chế biến hạt điều thô tư nhân

Thứ hai - 24/08/2015 11:43
Hiện Bình Phước có trên 150.000 ha điều, được phân bố ở khắp các huyện, thị, nhiều nhất là ở Bù Gia Mập, Bù Đăng… Từ lâu, cây điều đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, được xếp vào loại cây trồng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và hiện đang được Chính phủ, nhiều địa phương quan tâm. Việc trồng điều, kéo theo giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân làm việc trong các phân xưởng, nhà máy chế biến điều; các doanh nghiệp có cơ hội được đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đáng lưu ý, hiện nay các lò chế biến hạt điều thô tại các đại lý hay điểm lẻ của tư nhân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thành phần, lứa tuổi lao động và trở thành kế “mưu sinh” của không ít người dân trong và ngoài tỉnh đến làm ăn.
Qua tìm hiểu cho thấy, lò chẻ điều thô ở Bình Phước đã gắn bó với nhiều gia đình, là việc làm của không ít người dân trong thời gian rảnh rỗi. Thông thường, các điểm lẻ của tư nhân nhận điều thô từ đại lý, công ty về thuê người làm với mức tiền công khác nhau tùy theo loại làm dễ hoặc khó, trung bình từ 3.000-8.000 đồng/kg. Những người làm nhanh, quen việc thì mỗi ngày chẻ được từ 7 kg đến hơn 10 kg/ngày, người lớn tuổi hoặc người chưa thạo việc thì chỉ được 3-5 kg/ngày. Cái khó của người làm công việc này là phải vừa nhanh, vừa sạch, không để vỡ hạt. Khi nhập hàng, các đại lý hay công ty thường kiểm tra rất khắt khe nên người làm công cũng phải chú ý, nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không được giao hàng. Bàn chẻ hạt điều ở các điểm tư nhân được công ty phân phối về thực hiện giai đoạn sơ chế. Mỗi người một máy chẻ, máy có tác dụng ép cho vỡ vỏ, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng nẫy (tách) hạt điều ra khỏi vỏ. Lưu ý, các công đoạn phải được thực hiện cẩn thận, tránh thao tác ẩu, động tác không dứt khoát sẽ làm vỡ hoặc gãy hạt. Gặp phải lượng hàng khó làm, yêu cầu công việc cao hơn, đòi hỏi người làm phải thao tác thật chuyên nghiệp. http://localhost/public/uploads/news/2012_08/4.jpg Em Lý Thanh Lãm quê ở Quảng Trị, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải vào Nam kiếm sống khi mới 19 tuổi. Không nghề nghiệp, không người thân, em Lãm xin vào làm tại một điểm chế biến hạt điều thô tư nhân ở Phước Long. Nhờ chịu khó học hỏi nên em có thu nhập khoảng 800.000 đồng/tháng, chi tiêu tiết kiệm nên tháng nào Lãm cũng có tiền gửi về phụ bố mẹ ở quê nuôi các em ăn học. Có công việc, Lãm đã chấm dứt được khoảng thời gian lang thang ngoài đường để kiếm sống. Nhà có ít diện tích trồng điều, hết vụ thu hoạch bà Hoàng Thị Ao (dân tộc Tày) ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) tìm đến xin vào làm tại điểm chế biến điều thô, kiếm thêm tiền sinh hoạt hàng ngày. Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, thao tác nhanh, gọn, mỗi ngày bà làm được từ 7-8 kg. Bà Ao cho biết: “Làm sơ chế hạt điều có tiền, lại thấy khỏe thêm, ngày nào còn sức thì còn lao động, chứ bỏ không lười cái tay lắm”. Không giống như bà Ao, hộ ông Trương Văn Đồng ở xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) ngoài công việc chính làm nghề chài lưới thì đi nhận hạt điều về tận dụng thời gian rảnh rỗi của cả nhà, mỗi ngày kiếm được gần 30.000 đồng để chi tiền cơm, gạo hằng ngày. Ông Lê Văn Sự ở thôn Bình Lợi, xã Phước Minh (Bù Gia Mập), chủ một cơ sở chế biến hạt điều, cho biết: Tùy theo số lượng người làm để nhận lượng hàng khác nhau, phần lớn họ làm theo thời vụ. Thời điểm lượng người làm nhiều nhất là sau khi thu hoạch vườn, rẫy xong. Theo nhu cầu, người lao động vẫn có thể được nhận máy và hạt điều về nhà làm để tận dụng quỹ thời gian dư thừa. Với lò chẻ hạt điều của ông đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, thu nhập trung bình từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu thạo việc, mỗi người có thể làm được hơn 10 kg/ngày. Phần lớn, nhân công trong các lò chế biến hạt điều thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, Ngoài ra, ở các điểm lẻ khác còn có cả một số cán bộ, công chức, lao động có thu nhập ổn định cũng tận dụng thời gian rãnh rỗi để nhận hạt điều về nhà làm. Bên cạnh tạo việc làm, ông Sự còn tích cực hỗ trợ công nhân vay vốn phát triển kinh tế … Chị Trần Thị Thúy, thôn Bình Lợi, xã Phước Minh chia sẻ: “Bác Sự không chỉ tạo công ăn việc làm cho vợ chồng tôi với mức thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng mà còn cho vợ chồng tôi vay 30 triệu đồng không tính lãi để xây nhà ở. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có nhà ở ổn định, thoát khỏi cảnh sống trong ngôi nhà tạm, trống trước hở sau”. Như vậy, cây điều không chỉ là “địa chỉ” xóa đói giảm nghèo của các hộ làm vườn mà còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các điểm lẻ, cơ sở sơ chế hạt điều - một nghề của nhiều nhà, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay13,100
  • Tháng hiện tại61,656
  • Tổng lượt truy cập5,719,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây