Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, từ tháng 8/2018 đến nay bệnh khảm lá sắn lan nhanh làm gần 2.000 ha sắn bị nhiễm bệnh, gây hại ở các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Thuận và Bình Phước. Vì vậy bà con nông dân cần có biện pháp chủ động phòng bệnh, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn, đảm bảo năng xuất và chất lượng sản phẩm
Bệnh khảm lá virus hại sắn (mì) hay còn gọi bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam. Đầu năm 2017, Bệnh khảm lá sắn đã gây hại nặng trên cây sắn tại Campuchia và Lào. Tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh. Đến nay bệnh khảm lá đã xuất hiện, gây hại ở các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - VũngTàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Gia Lai, Phú Yên và Bình Phước.
Tại Bình Phước, theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn có hơn 10.000 ha diện tích trồng sắn. Bệnh khảm lá đã và đang lan nhanh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Phú Riềng, Lộc Ninh, Đồng Phú. Cũng theo thống kê, từ tháng 8/2018 đến nay bệnh khảm lá sắn lan nhanh làm gần 2.000 ha sắn bị nhiễm bệnh, nguy cơ mất mùa năm nay rất cao.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng bệnh khảm lá trên cây sắn, nông dân nên sử dụng một số giống sắn do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã công bố. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh cũng cần phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chủ động phòng trị bệnh, tránh để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng sắn; đồng thời các ngành chức năng cần nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh và khuyến cáo nông dân áp dụng một số biện pháp canh tác như: Phân bón, mật độ, trồng xen… một cách phù hợp.
Trước mắt, để chủ động phòng và trị bệnh khảm lá sắn trong thời gian tới, bà con nông dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp theo khuyến cáo sau đây của các ngành chức năng:
- Chọn giống kháng bệnh, không nhiễm bệnh KM 94, KM 95; không nhập hom giống bị nhiễm bệnh từ các vùng đang có dịch về trồng tại địa phương như: HLS11, KM 419...
- Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, bầu bí, ớt…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.
- Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng.
- Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVTV như: Chat 20 WP, Oshin 20 WP,… (hoạt chất Dinotefuran) và thuốc Bless 500 WP, Oscare 100 WP,… (hoạt chất Pymetrozine), Closer 500 WP (hoạt chất Sulfoxaflor), Bassa 50 EC (hoạt chất Fenobucarb),… phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn, phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng thì hiệu quả cao hơn.
- Khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật, áp dụng với các ruộng sắn đã bị nhiễm bệnh như sau:
+ Tiêu hủy một phần các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt.
+ Tiêu hủy toàn bộ các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.
+ Đối với ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh khảm lá.
Một lưu ý nữa là bà con nông dân và các địa phương cần mở rộng phạm vi ứng dụng quy trình canh tác sắn tổng hợp, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp, phân bón cân đối, trồng xen, rải vụ... Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và duy trì độ phì nhiêu đất một cách bền vững, người dân cũng cần chú trọng thâm canh cây sắn, lựa chọn cây trồng xen phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật. Sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” gắn với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng; khi tiến hành tiêu hủy cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu về an toàn lao động, an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, môi trường và phòng cháy.
Nguồn:
http://cafef.vn/benh-kham-la-san-bung-phat-nguy-co-mat-mua-tang-cao-20181028212804905.chn
http://bvtv.phuyen.gov.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-tru-benh-kham-la-gay-hai-tren-cay-san.html
Tác giả bài viết: Đại Phong – Hội Nông dân huyện Chơn Thành