img1 img1 img1 img1 img1

Hội nông dân xã Bù Nho phối hợp Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều do thời tiết bất thường.

Thứ hai - 05/02/2018 06:45
Thực hiện kế hoạch “Hỏa tốc” số 20-KH/UBND huyện Phú Riềng, ngày 24/01/2018 của UBND huyện Phú Riềng về việc tổ chức tập huấn “ Hỗ trợ chăm sóc vườn điều ra hoa đậu trái niên vụ 2017-2018 (đợt 3) trên địa bàn xã Bù Nho.
Hội viên nông dân tham gia tại Hội thảo
Hội viên nông dân tham gia tại Hội thảo
Ngày 30/01, Hội nông dân xã Bù Nho phối hợp tổ chức Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều tại vườn điều ông Kiều Xuân Cảnh – Hội viên Chi hội nghề nghiệp thôn Tân Bình. Tham dự có ông Nguyễn Đức Cương – Kỹ sư Trung tâm khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh; ông Phạm Duy Chinh – PCT UBND xã; ông Ninh Quốc Hòa – Chủ tịch Hội nông dân xã Bù Nho cùng các hội viên Chi hội nghề nghiệp thôn Tân Phú, Tân Bình và bà con hội viên nông dân trong toàn xã tham dự.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Cương – Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ các loại sâu bệnh như sau:
1/ Đối với bọ xít muỗi:
Bọ xít muỗi hoạt động mạnh vào buổi sáng (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 16 giờ). Cả trưởng thành và ấu trùng bọ xít muỗi đều tấn công gây hại các phần non như: lá non, chối non, hoa và quả non. Vết chích lúc đầu có màu xám, sau bị thâm đen, gây hư đọt, cháy lá, trái non rụng sớm. Vết thương tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh khác tấn công.
+ Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ dại, rong tỉa nhẹ các cành nhỏ không hợp lý, thu gom cành lá, tiến hành hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi gây hại. Bón cân đối NPK , không bón nhiều phân đạm, tăng phân kali vào thời kỳ cây ra đọt non, chồi hoa và quả non.
+ Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Đặc biệt kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất. Sử dụng Metarhizum sp, Beauveria sp khi bọ xít muỗi tuổi còn nhỏ.
+ Biện pháp hóa học: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi cây chuẩn bị ra lá non, ra hoa, trái non. Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Permethin, Cypermethin, Alfa Cypermethin. Một số thuốc có tên thương mại như: Permecide 50EC, Cyperan 10 EC…liều lượng và nồng độ như trên bao bì.
2/ Đối với Bọ đục chồi( bọ vòi voi):
Đặc điểm gây hại: Sâu trưởng thành dùng vòi đục nhiều lỗ liên tiếp nhau vào thân chồi non đẻ trứng. Đục từ 3-8 lỗ và đẻ 1-2 trứng từ lỗ thứ 2 từ trên xuống. Trứng nở thành sâu non đục lên ngọn làm lá trên ngọn co lại, héo xanh sau chuyển thành nâu đen và ngọn bị chết khô.
+ Biện pháp phòng trừ: Khi phát hiện chồi non bị héo cần cắt bỏ hay đốt đi, có thể phun thuốc vào thời kỳ ra đọt hay vào thời điểm mật độ trưởng thành nhiều (tháng 1, tháng 5, tháng 9) bằng các gốc thuốc: Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethin. Một số tên thương mại như Maxfos 50EC, Tungcydan 60EC…
3/ Đối với Bọ trĩ:
Thường phát triển mạnh trong điều kiện khô, giai đoạn ra đọt non, giai đoạn ra bông – đậu trái, gây hại trên lá non, chồi non, trái non. Vết chích có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công. Sử dụng các loại thuốc: Permecide 50EC, Vifast 5EC…
4/ Đối với bệnh thán thư:
Thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa kéo dài và thiếu ánh sáng. Bệnh thường xuất hiện khi điều thay lá, có nụ hoa hoặc bắt đầu đậu quả, làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều. Phòng trừ bằng cách sử dụng các loại thuốc có tên thương mại như Tepro Super 300EC, Tungvil 5SC…liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì. Phun phòng bệnh khi điều nhú chồi non , nụ hoa, quả non, đặc biệt khi ẩm độ cao, sương mù nhiều. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun ướt đều tán cây, nếu ẩm độ không khí cao kéo dài và áp lực bệnh cao có thể phun lần 2( sau lần 1 từ 5-7 ngày).
5/ Đối với bệnh cháy lá khô cành:
Nấm bệnh thường xuất hiện qua vết thương cơ giới hoặc do côn trùng cắn phá và lây lan qua không khí. Ngoài ra nệnh còn gây hại nặng trên những vườn điều chăm sóc kém, nhiều cỏ dại, bón phân không hợp lý.
Để phòng bệnh hiệu quả cần thực hiện các biện pháp:
-Thường xuyên thăm vườn phát hiện bệnh kịp thời, vệ sinh vườn thông thoáng, hạn chế vết thương do côn trùng cắn như bọ xít muỗi, bọ đục nõn.
- Tiến hành phun phòng thuốc BVTV để rửa vườn khi thu hoạch xong và trước khi điều ra hoa bằng các thuốc gốc đồng như: Norshield 86.2WG, Kocide 53.8DF…để hạn chế nấm bệnh.
- Khi phát hiện với tỷ lệ gây hại thấp, sử dụng các gốc thuốc: Hexaconazole, Azoxytrobin+Difenoconazle…Một số tên thương phẩm như: Keviar 325SC, Casuvil 500SC…nếu áp lực bệnh cao nên phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày.
* Chăm sóc vườn điều giai đoạn ra hoa đậu trái phun thuốc làm 4 lần:
Phun lần 1: Phun kích thích ra hoa và bảo vệ đọt non, khi đa số đọt mới trong vườn có 5-6 lá phun Hi-Boron/Botrac+Permecide/Cyperan + Tepro Super 300EC/Evitin, An vin 5 SC. Phun 2 lần cách nhau 10-15 ngày.
Phun lần 2: Như lần 1 cách nhau 10-15 ngày
Phun lần 3: Chống rụng hoa và dưỡng trái non, khi 80% phát hoa vừa nhú 10cm phun Boomflower + Permecide/Peran 10EC + Tepro Super 300EC/Evitin, Anvin 5 SC phun sương đều trên cây.
Phun lần 4: giúp to trái, tăng tỷ lệ nhân, khi 80% hạt to bẳng hạt sen phun HK 7:5: 44+ Permecide/Peran 10EC + Tepro Super 300EC/Evitin, Anvin 5 SC phun sương đều trên cây.
Được biết vườn gia đình ông Kiều Xuân Cảnh được tặng các loại thuốc BVTV, phân bón qua lá trị giá 3,6 triệu đồng, ngoài ra còn được hỗ trợ 500 ngàn tiền mặt hỗ trợ xịt thuốc.

 

Tác giả bài viết: Hội Nông dân Bù Nho - Phú Riềng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại9,143
  • Tổng lượt truy cập5,899,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây