Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu tiêu dùng. Với 14 nghìn sản phẩm phân bón được phép lưu hành và 700 cơ sở sản xuất phân bón đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón.
Theo Bộ NNPTNT, Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ với 706 nhà máy sản xuất. Sản lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với nhập khẩu 4 triệu tấn/năm.
Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón chỉ khoảng 10-11 triệu tấn. Như vậy, số lượng sản xuất ra gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sử dụng.
Lượng phân bón dư thừa lớn dẫn tới hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Chính vì vậy, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất.
Về cơ sở sản xuất phân bón, đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận 545 cơ sở và 268 nhà máy được phép gia công đóng gói lại sản phẩm. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cũng đã tiếp nhận toàn bộ 41 phòng thử nghiệm từ Bộ Công Thương. Sau khi tiếp quản, Cục đã rà soát tổng thể và chỉ định lại các phòng thử nghiệm, đến nay đã công nhận 12 phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn.
“Cục cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, với 76 tiêu chuẩn để phục vụ cho thử nghiệm; hoàn tất các tiêu chuẩn lấy mẫu và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng phân bón vô cơ, hữu cơ, nếu không có gì thay đổi, tháng 5 này sẽ ban hành. Ngoài ra, đến nay chúng tôi đã công nhận và lưu hành được 4.000 sản phẩm và loại bỏ 1.200 sản phẩm không đạt yêu cầu. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang rà soát các cơ sở sản xuất phân bón để loại bỏ cơ sở không đủ điều kiện, các cơ sở sản xuất chui, lưu động”, Cục trưởng Hoàng Trung cho hay.
Để có những thay đổi căn bản, bên cạnh những hoạt động chuyên ngành, cần tuyên truyền để nông dân thay đổi nhận thức sử dụng phân bón, chuyển dần từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ để tạo ra những sản phẩm nông sản hữu cơ, an toàn.
Để quản lý tốt hơn đối với sản xuất và kinh doanh phân bón, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Kèm theo đó là các hình phạt bổ sung khác và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, Nghị định 108/2017/NĐ-CP (Nghị định 108) được ban hành thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP (Nghị định 202) về quản lý phân bón.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón, thay vì cùng với Bộ Công Thương quản lý.
Ngoài Nghị định 108 thì Chính phủ cũng cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng riêng Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón trên cơ sở kế thừa lại Nghị định 163 cũng như Nghị định sửa đổi 115 của Chính phủ trong lĩnh vực phân bón.
Với chủ trương của Nghị định mới là rất rõ ràng, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe. Theo đó, tăng tối đa mức xử phạt bằng tiền từ 2-7 lần đối với các vi phạm; Áp và tăng các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục.
Đối với các hành vi vi phạm trong nhập khẩu phân bón, ngoài vấn đề phạt tiền thì sẽ áp dụng 2 hình thức chính là cho tái xuất và tiêu hủy, chứ không có chuyện tái chế hoặc chuyển đổi sang mục đích khác...