img1 img1 img1 img1 img1

Lợi ích kép từ màng phủ nông nghiệp

Thứ tư - 13/03/2019 10:04
Nhằm tận dụng nguồn tàn dư thực vật, cải tạo mùn hữu cơ, tăng độ tơi xốp cho đất, hiện nông dân nhiều nơi trong tỉnh đã dùng màng phủ nông nghiệp ủ cành, lá điều hoai mục làm phân. Ngành nông nghiệp một số huyện, thị xã, thành phố còn xây dựng mô hình, phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để nông dân áp dụng rộng rãi hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tài (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) đăng ký thực hiện mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp đầu tiên trong xã làm mẫu để nông dân tham quan học tập
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tài (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) đăng ký thực hiện mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp đầu tiên trong xã làm mẫu để nông dân tham quan học tập

GIẢM CHI PHÍ, TĂNG NĂNG SUẤT

Ông Vũ Văn Tấn (Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung) ngụ thôn Phú Tâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng đã thực hiện mô hình này từ năm 2013. Ông Tấn cho biết: “Gia đình có 5,5 ha điều. 5 năm trước, tôi đã thực hiện màng phủ nông nghiệp tại 3 ha rẫy, thấy đem lại hiệu quả nên sau khi mua thêm 2,5 ha, tôi tiếp tục áp dụng. Do điều trồng khá lâu, già cỗi, quy cách trồng không thành hàng lối nên chỗ nào mật độ cây dày, nhiều lá thì tôi cào gom lại rồi phủ màng, lấp đất xung quanh”.

Ông Tấn còn thuê máy múc nhiều hố trong rẫy để tích nước, tích mùn. Sau mùa thu hoạch, những cành, cây cắt tỉa ông đều cho xuống hố sau đó tiếp tục phủ màng để hoai mục. Từ kinh nghiệm làm nhiều năm ông Tấn cho biết nên đào hố rộng khoảng 1-2m, dài từ 3-5m, sâu khoảng 3m. Các hố đào so le theo chiều ngang với độ dốc của rẫy để tránh xói mòn. Đi một vòng quanh rẫy quan sát, chúng tôi thấy rõ từng lớp đất ẩm, xốp, có những chỗ nhiều mùn lún chân. Những cây điều đủ dinh dưỡng gốc to, tán rộng, rất ít bị sâu bệnh gây hại. Thời điểm này, nhiều rẫy điều đã vãn không còn trái, nhưng rẫy điều của gia đình ông Tấn vẫn cho thu hoạch rộ. Ông Tấn dự kiến năng suất bình quân vụ này đạt trên 3 tấn/ha. “Tôi đang tuyên truyền, vận động những hộ xung quanh áp dụng màng phủ nông nghiệp, vừa giảm chi phí phân bón vừa giúp điều đạt năng suất cao, chất lượng, bán sẽ được giá cao hơn, đồng thời liên kết xây dựng hợp tác xã phát triển điều bền vững. Một số công ty chế biến, xuất nhập khẩu điều trên địa bàn đã mời đối tác nước ngoài đến tham quan, khảo sát trực tiếp tại vườn, nhằm ký hợp đồng mua thường xuyên” - ông Tấn chia sẻ thêm.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Huyện Bù Đăng có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh với khoảng 59 ngàn héc ta. Những năm qua, người trồng điều thường dọn rẫy trước khi thu hoạch bằng cách xịt thuốc cỏ, phát cỏ và quét gom lá điều đốt tại chỗ. Kỹ sư nông nghiệp Trần Minh Hiểu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: “Việc đốt lá điều là phản khoa học vì lãng phí nguồn phân hữu cơ, gây chai đất, làm chết các vi sinh vật có ích. Hơn nữa, rễ điều thường ăn nổi nên gặp lửa nóng sẽ gây tổn hại đến bộ rễ, nếu đốt trong điều kiện gió lớn còn nguy cơ cháy rẫy, cháy cành lá, bông đọt, hạt non làm giảm năng suất. Việc xịt thuốc cỏ vừa tốn kém hơn phát cỏ vừa bị rửa trôi, ngoài ra thuốc cỏ còn gây độc hại môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, dùng màng phủ nông nghiệp có rất nhiều tiện ích là tận dụng được tàn dư thực vật làm phân hữu cơ, cải tạo đất tơi xốp, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, điều hòa nhiệt độ, giữ ẩm cho đất, không bị rửa trôi, ngăn ngừa cỏ dại, côn trùng gây hại, giúp cây phát triển tốt”. 

Để phổ biến rộng rãi cách làm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng đã xây dựng 29 mô hình tại các xã, thị trấn trong huyện; tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền những lợi ích cho cán bộ hội, nông dân cơ sở. Mỗi mô hình được xây dựng có diện tích 1 ha, kinh phí 4,6 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,675 triệu, còn lại nông hộ thực hiện mô hình đối ứng. Phương pháp làm đơn giản, tiện lợi, chi phí ít, không độc hại. Màng phủ bán rộng rãi trên thị trường, chi phí thấp.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đăng ký thực hiện mô hình này đầu tiên nhằm làm mẫu để nông dân trong xã tham quan học tập. Ông Tài cho biết: “Gia đình có 3 ha điều 20 năm tuổi. Từ tháng 11-2018, gia đình bắt đầu phát cỏ, cuối tháng 1-2019, tôi cào lá điều thành luống, tưới nước tạo độ ẩm, sau đó rắc nấm trichoderma theo đúng kỹ thuật (nấm trichoderma tiết ra enzym có tác dụng phân hủy lá điều, tiết kiệm thời gian ủ phân, tiêu diệt các loài nấm có hại). Lá được cào thành hàng chạy dọc giữa 2 hàng điều gọn gàng, sạch sẽ. Để tránh gió lớn gây rách bạt, dùng cọc tre cách khoảng 1-1,2m tôi lại ghim bạt xuống đất”.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Màng phủ nông nghiệp được dùng từ lâu, nhất là đối với các nhà vườn trồng, kinh doanh rau, củ, quả sạch vì đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc dùng màng phủ để ủ lá điều làm phân hữu cơ vẫn chưa được thực hiện nhiều do phần lớn người dân ngại làm, vẫn có thói quen đốt lá, xịt thuốc cỏ, vì vậy không tận dụng được tính ưu việt của nó. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích và đẩy mạnh tuyên truyền người dân sáng tạo trong canh tác, tăng cường cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học, hữu cơ thay thế thuốc hóa học. Với Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp trong vườn điều là cách làm cần nhân rộng, góp phần phát triển cây điều bền vững”.

Tác giả bài viết: Minh Quang

Nguồn tin: Báo Bình Phước online::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,640
  • Tháng hiện tại16,185
  • Tổng lượt truy cập6,387,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây