img1 img1 img1 img1 img1

Những thách thức, giải pháp đặt ra cho nông dân trong thời kỳ mới

Thứ bảy - 01/01/2022 18:47
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giai cấp nông dân là nòng cốt, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
nông dân huyện Đồng Phú tham gia tập lớp tập huấn khoa học kỹ thuật
nông dân huyện Đồng Phú tham gia tập lớp tập huấn khoa học kỹ thuật
Để thực hiện được sứ mệnh, trọng trách đó, bên cạnh những thuận lợi, giai cấp nông dân còn phải vượt qua không ít thách thức như đất canh tác bị thu hẹp, giá thành sản xuất lương thực và thực phẩm tăng cao, giá tiêu thụ và thị trường tiêu thụ không ổn định, cùng với đó là tác động của thiên tai, hạn hán, đại dịch Covid – 19. Áp lực phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng ưu thế cạnh tranh ở thị trường trong nội địa và quốc tế, đa số nông dân vẫn thiếu tri thức và thông tin khoa học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
          Tình trạng nông dân thiếu việc làm (thời vụ) và không có việc làm còn chưa có giải pháp căn bản để khắc phục, thời gian “nông nhàn” còn nhiều. Thêm vào đó tình trạng nông dân bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp và xu hướng tích tụ ruộng đất ngay cả ở nông thôn.
          Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng giai cấp xã hội ngày càng rõ rệt trong khu vực nông thôn, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị. Các tệ nạn xã hội và vấn đề an ninh trật tự ở nông thôn ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các khu công nghiệp phát triển ở vùng nông thôn kéo theo sự phát triển các dịch vụ đi kèm nhưng cũng làm gia tăng các tệ nạn mại dâm, ma túy …Bên cạnh đó, là sự lây nhiễm tệ nạn xã hội của những người nông dân đi làm ở những địa bàn đô thị, trở về địa phương, làm phức tạp tình hình tệ nạn xã hội ở khu vực nông thôn, tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học, thiếu hoặc không có việc làm, gây rối trật tự công cộng, sa vào cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm …
          Tình trạng thu hồi đất gây bức xúc trong nông dân, làm nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến những vấn đề an ninh trật tự ở nông thôn, thậm chí khiếu kiện đông người và bị kẻ xấu lợi dụng. người nông dân mất tư liệu sản xuất, không việc làm, không thu nhập, họ phải di cư tự phát tới các đô thị làm thuê, làm bốc vác …Điều này tạo ra nguy cơ nông dân “vừa ly nông, vừa ly hương” và vùng nông thôn mất nguồn nhân lực trẻ chất lượng, về lâu dài có thể phát sinh những nguy cơ  mới trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
             Những khó khăn, tồn tại cần giải quyết
          Thứ nhất, chất lượng của nhiều loại nông sản còn thấp, tiêu thụ nông sản chậm, phụ thuộc nhiều vào thương lái, dẫn đến tình trạng giải cứu nông sản như: thanh long, dưa hấu, thịt heo, chuối, vải thiều …Giá cả bấp bênh, được mùa thì mất giá, sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, việc hợp tác và sản xuất tập trung còn hạn chế.
          Thứ hai, lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường. Do lợi nhuận cao, thị trường rộng lớn, sự hiểu biết và ham giá rẻ của người nông dân, nhiều cơ sở sản xuất đã đưa ra nhiều quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn để đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định còn gây tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Một số phân bón có hại cho cây trồng và con người như các loại kim loại nặng, vi sinh vật gây hại, các chất sinh trưởng vượt quá mức quy định… là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm cho nguồn nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
          Thứ ba, hệ thống đào tạo nghề, cầm tay chỉ việc còn yếu, thiếu. Phương pháp đào tạo chủ yếu là lý thuyết kết hợp với tham quan thực tế mà chưa tập trung thực hiện phương pháp dạy thực hành cho học viên để thích ứng, phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại.
          Thứ tư, nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Do đó, nhiều mặt hàng nông sản chưa được ký hợp đồng tiêu thụ, nông dân chưa nắm rõ thị trường trước khi sản xuất, có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán với giá cao hơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
          Thứ năm, chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở các vùng nguyên liệu nước ta còn hạn chế. Do quy mô sản xuất nông nghiệp các vùng còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được trách nhiệm giữa các bên.  
          Thứ sáu, trước tình hình đại dịch Covid – 19 đang diễn ra phức tạp, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm nông nghiệp bị đứt gãy, hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho, hư hỏng. Từ đó, ảnh hưởng tới kinh tế của người dân và doanh nghiệp.
          Các giải pháp
          Thứ nhất, xác định vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Hội Nông dân phải thực sự chủ động phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong bảo vệ quyền lợi của người nông dân, giúp nông dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
          Thứ hai, cung cấp đầy đủ thông tin cho nông dân, khắc phục tình trạng tự phát, làm theo phong trào …Các địa phương thường xuyên tổng hợp số liệu hiện trạng về quy mô sản xuất, để nông dân tự xem xét thị trường và năng lực sản xuất của mình. Kiểm tra rà soát định kỳ, đột xuất các cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có chế tài mạnh khi vi phạm các quy định của pháp luật.
          Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tạo điều kiện để nông dân được học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những bước đột phá chưa từng có về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, kết nối mạng. Song, trên thực tế chất lượng nguồn lao động nông thôn còn thấp, chưa được đào tạo nghề, thiếu kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng sản xuất theo chuỗi liên kết để có thể ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
          Thứ tư, thực hiện hài hòa mối quan hệ liên kết sáu nhà: “nhà nông – Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà ngân hàng – nhà phân phối” trong chuỗi sản xuất nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
          Thứ năm, Đảng và Nhà nước ta xác định, đại dịch Covid – 19 sẽ còn kéo dài, nên phải đánh giá các phản ứng chính sách và biện pháp quản trị nhằm phát triển bền vững, trước tiên là việc ứng phó chủ động và hiệu quả trước các tác động không mong muốn của đại dịch Covid - 19 nói riêng hay các hiện tượng bất thường nói chung. Từ đó thảo luận, nghiên cứu các mô hình, cơ chế quản trị quốc gia, quản trị quốc tế, hợp tác quốc tế, các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển bền vững sau Covid - 19.
 

Tác giả bài viết: Thái Văn Nghi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay161
  • Tháng hiện tại28,001
  • Tổng lượt truy cập6,399,596
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây