Chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn được duy trì, giữ vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các chỉ tiêu tín dụng đều đạt, vượt mục tiêu nghị quyết của Ban đại diện đề ra. Theo đó, đến 30/06/2023, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 524 tỷ đồng/17 chương trình tín dụng, là đơn vị có dư nợ cao nhất toàn tỉnh, tổng số khách hàng vay vốn còn dư nợ là 12.672 hộ, nợ quá hạn 243 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,04%/ tổng dư nợ.
Bà Phan Thị Tầm, Giám đốc NHCSXH Lộc Ninh, cho biết: Đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ đầu năm 2023 đã tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng quy định. Để đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng và thuận lợi cho người thụ hưởng, NHCSXH Lộc Ninh phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn và được phân bổ đều khắp ở hầu hết các ấp và khu phố. Mỗi xã, thị trấn bố trí một điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộcsống.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều khách hàng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sầu riêng tại xã Lộc khánh, chăm sóc bưởi tại xã Lộc Thuận, chăn nuôi bò, dê xã Lộc An... Đồng thời hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn vay, NHCSXH Lộc Ninh còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng điểm giao dịch, tổ giao dịch lưu động tại xã, hoạt động ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Do đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công tác giảm nghèo, chất lượng tín dụng bảo đảm. NHCSXH huyện đã khơi thông kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện đạt hiệu quả cao.