Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh đồng hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế tại địa phương
Thứ hai - 14/09/2020 10:55
Những năm qua cùng với các hội đoàn thể khác, Hội Nông dân huyện Lộc Ninh luôn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác để giúp hộ hội viên nghèo, khó khăn về kinh tế có điều kiện phát triển sản xuất. Qua đó đã góp phần tích cực vào mục tiêu chung của huyện là giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đang quản lý 94 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và thực hiện 15 chương trình tín dụng từ NHCSXH huyện, trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giải ngân số tiền 24 tỷ 250 triệu đồngđể đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt. Nâng tổng dư nợ của hội quản lý đến nay đạt 108 tỷ 259 triệu đồng. Có được kết quả trên thời gian qua Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện phổ biến và thông tin kịp thời các chính sách mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng mới đến với cán bộ hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra cũng từ nguồn vốn ủy thác, NHCSXH huyện còn nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV, giám sát hoạt động của tổ TK&VV, chỉ đạo các tổ TK&VV sinh hoạt định kỳ đều đặn. Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện còn kết hợp với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn cho hội viên và nông dân. Qua đó giúp cho hộ vay vốn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào các mô hình sản xuất và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó trong những năm qua số hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên. Đến nay, nợ quá hạn của Hội Nông dân quản lý chỉ chiếm 0,28%/tổng dư nợ. Nguyên nhân phát sinh của nợ quá hạn chủ yếu là do sự ảnh hưởng của dịch bệnh, nắng hạn, mặt khác giá cả một số mặt hàng nông sản luôn biến động và gây bất lợi cho nông dân. Ông Nguyễn Đức Phong–Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninhcho biết, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân huyện và NHCSXH huyện thực sự là cầu nối giữa NHCSXH với hội viên, nông dân. Thông qua tổ chức hội, việc vay vốn ưu đãi của hội viên nông dân được thuận lợi, thủ tục đơn giản, nhanh gọn giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Việc nhận ủy thác từ NHCSXH, giúp hội viên nông dân ngày càng gắn bó với hội, tích cực tham gia các chương trình do hội phát động, tỷ lệ hội viên vào tổ chức hội ngày càng cao. Tuy nhiên thời gian qua công tác phối hợp giữa NHCSXH và Hội Nông dân huyện về cho vay đối với hội viên, nông dân còn có những mặt hạn chế như công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách mới chưa được đồng bộtại các xã, thị trấn, việc bình xét cho vay ở một số nơi còn chia đều, xé nhỏ số tiền cho vay, mức cho vay còn thấp do chưa căn cứ vào mục đích xin vay, nhu cầu vốn, chu kỳ sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng cho vay dàn trải, từ đó làm hạn chế hiệu quả của nguồn vốn tín dụng. Nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay và để NHCSXH luôn là người bạn đồng hành của hội viên nông dân. Ông Lê Khắc Phú – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết trong thời gian tới Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với NHCSXH huyện ủy thác cho hội viên vay vốn, đồng thời tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó Hội Nông dân huyện và NHCSXH huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hộ vay vốn hiểu rõ các chương trình cho vay của NHCSXH nhằm nâng cao trách nhiệm của hộ vay trong việc sử dụng vốn hiệu quả và hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn. Nguyễn Đức Phong: Ngân hàng CSXH huyện