Điểm giao dịch xã - nơi triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Thứ năm - 10/12/2020 09:54
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh tổ chức Điểm giao dịch đặt tại 16/16 xã, thị trấn trong huyện, thực hiện phiên giao dịch vào ngày cố định hàng tháng, kể cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ trong năm. Hoạt động Điểm giao dịch xã được đơn vị chấp hành nghiêm túc theo quy định, thực hiện công khai những thông tin cần thiết về tín dụng chính sách xã hội, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, nhằm giúp người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi và các dịch vụ ngân hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn huyện. Hiện nay, NHCSXH huyện tổ chức các Điểm giao dịch đặt tại 16 xã, thị trấn trong huyện. Hoạt động Điểm giao dịch xã được đơn vị chấp hành nghiêm túc theo quy định của Tổng Giám đốc NHCSXH, thực hiện công khai những thông tin cần thiết về TDCS, trang bị đầy đủ các thiết bị, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch. Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Lộc Ninh, cho biết: Phần lớn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là hộ vay thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi Điểm giao dịch được thực hiện tại các xã, vốn tín dụng ưu đãi được truyền tải đến đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, tỷ lệ giải ngân vốn cũng như doanh số thu hồi nợ, thu lãi từ các chương trình tín dụng hàng năm luôn đạt kết quả cao. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện có 3.475 lượt khách hàng được giải ngân vốn tại các Điểm giao dịch xã, với số tiền hơn 100 tỷ đồng, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Một trong những thuận lợi nữa của Điểm giao dịch xã, vào ngày giao dịch cố định trong tháng, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn trực tiếp trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nắm bắt tình hình hoạt động, đánh giá những mặt đạt được, khó khăn tồn tại, trên cơ sở đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp, kế hoạch triển khai TDCS hiệu quả. Không chỉ vậy, cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch xã còn hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, thông tin những chủ trương, chính sách mới về vốn vay ưu đãi của Nhà nước để các Tổ TK&VV và hộ vay nắm bắt. Ông Lâm Phết, Tổ trưởng Tổ TK&VV xã Lộc Khánh, chia sẻ: Hàng tháng cán bộ NHCSXH huyện về tận cơ sở để thực hiện việc giải ngân, việc trả lãi, gửi tiết kiệm. Mọi thủ tục hồ sơ đều được thực hiện nhanh gọn, không còn phải đi xa như trước đây. Ngoài ra, hộ vay còn được tiếp cận những dịch vụ triển khai của ngân hàng. Với mạng lưới Điểm giao dịch xã rộng khắp cùng với hoạt động của 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác và 292 Tổ TK&VV, nguồn vốn TDCS được quản lý chặt chẽ. Nâng tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt trên 359 tỷ đồng, với 12.542 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Để hoạt động của các Điểm giao dịch xã ngày càng đi vào chiều sâu trong thời gian tới, theo bà Phan Thị Tầm - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, bên cạnh tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã. Đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh và có hướng khắc phục đối với những Điểm giao dịch có chất lượng hoạt động còn thấp, thiếu ổn định, đảm bảo các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH.