Lộc Ninh: Phát huy vai trò tổ tiết kiệm và vay vốn
Thứ bảy - 24/07/2021 14:57
Những năm qua, tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) luôn được xem như “cánh tay nối dài” đưa nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện. Họ không chỉ là đầu mối, kênh dẫn vốn một cách trực tiếp, tiện lợi mà còn giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, qua đó, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý tại cơ sở của NHCSXH.
Tại điểm giao dịch NHCSXH ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh ngày 17/6/2021. Các cán bộNHCSXH huyện đã chuẩn bị sẵn sàng máy tính, máy soi đếm tiền, máy in, hồ sơ chứng từ... cho buổi giao dịch lưu động tại xã, phục vụ bà con. Các hội đoàn thể cấp xã, các tổ trưởng tổ TKVV và hộ vay vốn đã có mặt đầy đủ để thực hiện giao dịch với Ngân hàng. Tổ trưởng Tổ TKVV ấp 4, xã Lộc Thái Cao Xuân Thao cho biết, Ngân hàng về xã giải ngân vốn vay kịp thời, giúp bà con có thêm vốn đểsản xuất khi bà con nhân dân trong xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, cán bộ Ngân hàng kịp thời động viên, thăm hỏi tình hình của các tổ TK&VV và tuyên truyền chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các những khách hàng vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng hưởng của dịch Covid-19 gây ra, phổ biến chủ trương tín dụng ưu đãi mới, triển khai công việc trong tháng, hướng dẫn nghiệp vụ phát sinh cho cán bộ Ban quản lý tổ TKVV. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn trái hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Cao Xuân Thao tại ấp 4, xã Lộc Thái được vay vốn từ NHCSXH về chăn nuôi đàn vịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đặc biệt, ông Thao cũng là tổ trưởng tổ TK&VV nên nhiều năm qua ông rất gắn bó với các tổ viên vay vốn trong ấp. Luôn tích cực tham gia tuyên truyền, cùng hướng dẫn, giúp đỡ bà con sử dụng vốn vay hiệu quả, cùng tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ TKVV…Trước đây, nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tự phát, hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia sinh hoạt tổ TKVV, các hộ gia đình được phổ biến kiến thức xã hội, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.Tổ TKVV còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TKVV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân. Huyện Lộc Ninh hiện có 290 tổ TKVV với trên 12.000 tổ viên, số dư nợ đạt gần 390 tỷ đồng. Trong đó, có 232 tổ TKVV xếp loại tốt, 42 tổ xếp loại khá, 16 tổ xếp loại trung bình và không có tổ xếp loại yếu kém. Từ nhiều năm qua, NHCSXH huyện Lộc Ninh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực và trách nhiệm của Ban quản lý tổ TKVV trong việc quản lý và sử dụng vốn, đặc biệt là làm tốt vai trò động viên, đôn đốc các hộ vay chấp hành trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn… Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh Phan Thị Tầm cho biết, nhận thức rõ vai trò của Ban quản lý tổ TKVV, đơn vị thường xuyên chủ động phối hợp, kiện toàn và củng cố mạng lưới các tổ TKVV, nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Ban quản lý tổ trên địa bàn. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp với các hội, đoàn thể cấp huyện tập huấn nghiệp vụ quản lý TKVV tại 16/16 xã, thị trấn cho Ban giảm nghèo cấp xã và Ban quản lý tổ TKVV với 25 lớp tập huấn đã được triển khai.